NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 81-NgĐ/NH | Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 1958 |
BAN HÀNH BẢN BIỆN PHÁP CHO VAY DÀI HẠN
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
Để giúp đỡ các Hợp tác xã, các tập đoàn, các tổ đổi công thường xuyên và đồng bào miền núi giải quyết khó khăn về vốn cơ bản để có điều kiện tái sản xuất mở rộng, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, phát triển kinh tế nông lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông thôn trong giai đoạn quá độ;
Căn cứ công văn số 28-2TN ngày 14/7/1958 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho ban hành bản biện pháp cho vay dài hạn.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 2. Biện pháp này được áp dụng từ ngày ban hành.
| KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
A. Nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu bị đế quốc và phong kiến kìm hãm nên không phát triển lên được, thêm vào đó lại bị 15 năm chiến tranh tàn phá nặng nề nên sức sản xuất kém sút, đời sống nhân dân hết sức cùng cực.
Hòa bình lập lại, thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh của Đảng và Chính phủ kết hợp với phong trào giảm tô và cải cách ruộng đất, Ngân hàng quốc gia đã cho nhân dân vay trên 30 nghìn triệu, bao gồm việc cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay mua sắm trâu, bò cầy, các hợp tác xã thủ công nghiệp vay để thiết lập cơ sở và trang bị máy móc, các tổ sản xuất và nông dân riêng lẻ vay mua sắm trâu bò cầy, nông cụ, làm các công trình thủy lợi, chăn nuôi đại gia súc, ngư dân vay mua sắm thuyền lưới mới, các công nhân và thợ thủ công hoặc tổ sản xuất vay mua sắm máy móc và thiết bị cơ sở. Việc cho vay này đã có một tác dụng nhất định, góp phần hoàn thành về căn bản nhiệm vụ khôi phục kinh tế.
Nhưng vì từ khi thành lập Ngân hàng tới nay, chưa phân biệt cho vay dài hạn và cho vay ngắn hạn, trừ một vài loại như trâu bò, thuyền lớn được quy định là dài hạn từ một năm đến hai năm, còn nói chung là quy định ngắn hạn, do đó không thu hồi nợ đúng hạn định, gây ra tình trạng nợ quá hạn, bởi tính chất các phương tiện cơ bản mà Ngân hàng cho vay phải chuyển giá trị vào sản xuất và hoàn trả lại đều đặn. Việc chưa phân biệt cho vay dài hạn và ngắn hạn còn trở ngại nhiều cho việc lập kế hoạch tiền mặt và luân chuyển vốn.
B. Hiện nay, sau khi nhiệm vụ khôi phục đã hoàn thành về căn bản, chúng ta phải tiến hành xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa, tập thể hóa nông nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh và thủ công nghiệp riêng lẻ, đặc biệt ở nông thôn, cần hướng dẫn nông dân đi vào con đường hợp tác từ thấp đến cao bằng cách phát triển các tổ đổi công tiến dần lên hợp tác xã mau bán và hợp tác xã tín dụng, cần tổ chức thợ thủ công vào hợp tác xã thủ công nghiệp.
Một trong những tính chất ưu việt của nền kinh tế dân chủ nhân dân là mở rộng tái sản xuất không ngừng. Muốn làm việc này, phải tích lũy vốn, phải có phương tiện cơ bản. Nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước thì cần phải có một thời gian rất dài mới tích lũy vốn, vì các Hợp tác xã thành lập lúc đầu còn yếu nên sự giúp đỡ này có tác dụng to lớn, góp phần trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.
Đối với các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của cán bộ ra ngoài biên chế, bộ đội phục viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, nhân dân miền núi chưa có điều kiện hợp tác hóa, cũng cần được giúp đỡ về vốn dài hạn để phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thật, nâng cao mức sản xuất và đi dần vào con đường hợp tác hóa.
Vì vậy, đi đôi với việc cho vay ngắn hạn, cần thiết phải tiến hành cho vay dài hạn với nguồn vốn rõ ràng, đối tượng, thời hạn, lợi suất và biện pháp cho vay cụ thể.
II. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA CHO VAY DÀI HẠN
Ngân hàng quốc gia cho vay dài hạn nhằm mục đích:
1) Đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào vấn đề củng cố vững chắc các hợp tác xã các tập đoàn tiến bộ để trở thành nòng cốt của phong trào hợp tác hóa nông thôn.
2) Giúp các hợp tác xã, các tập đoàn tiến bộ, các tổ đổi công thường xuyên giải quyết những khó khăn về vốn cơ bản để có điều kiện mở rộng tái sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
3) Giúp các Hợp tác xã các tập đoàn tiến bộ các tổ đổi công thường xuyên có đủ điều kiện để cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, đồng thời nâng cao mức sản xuất.
4) Riêng đối với đồng bào miền núi, giúp đỡ để giải quyết những khó khăn trong sản xuất để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện sinh hoạt. Trên cơ sở đó, làm cho nhân dân lao động tin tưởng đường lối chính sách hợp tác hóa nông thôn, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ.
5) Đồng thời thông qua công tác cho vay dài hạn, Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ góp ý kiến với các hợp tác xã, các tập đoàn, các tổ đổi công thường xuyên trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tài vụ, kế toán, làm cho công việc sản xuất của các hợp tác xã tập đoàn đi dần vào kế hoạch, hạ giá thành, tăng thêm thu nhập, mở rộng tái sản xuất để tiến lên hợp tác xã cao cấp.
Ngân hàng quốc gia trực tiếp cho vay dài hạn, theo các nguyên tắc:
1) Các đối tượng vay vốn chỉ được dùng vốn vào mục đích nhất định xây dựng cơ bản hay mua sắm phương tiện nói rõ trong kế hoạch này, không được dùng nhập nhằng loại này qua loại khác và khi vay vốn phải được đại hội xã viên của các hợp tác xã, các tập đoàn thảo luận và thông qua.
2) Các đối tượng vay vốn phải trả cả vốn lẫn lãi theo đúng kỳ hạn đã định.
3) Các đối tượng vay vốn phải đảm bảo bằng vật tư tương đương, nghĩa là vay vốn và mua sắm thứ gì nhất thiết phải mua những vật tư đó và phải có hóa đơn từng thứ để đảm bảo số tiền đã vay.
Hàng năm, Nhà nước trích một phần trong dự toán Ngân sách chuyển sang Ngân hàng để làm vốn cho vay dài hạn thực hiện việc mở rộng sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước.
Ngân hàng huy động các nguồn vốn cơ bản tự có của các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hợp tác xã mua bán chưa dùng đến.
V. ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁC LOẠI CHO VAY
Căn cứ vào tình hình tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất, nhu cầu của đồng bào miền núi, Ngân hàng quốc gia cho vay dài hạn đối với các đối tượng và các loại sau đây:
1) Hợp tác xã, tập đoàn tiến bộ, tổ đổi công thường xuyên sản xuất nông, ngư nghiệp và các tổ chức khai hoang.
- Trồng các cây ăn quả và cây công nghiệp lưu niên.
- Mua sắm các phương tiện sản xuất như: trâu bò cầy, nông cụ cải tiến.
- Mua sắm các máy móc nhỏ, như phát điện, máy bơm nước.
- Làm các công trình thủy lợi bậc trung không ghi trong kế hoạch kiến thiết của Nhà nước.
- Mua các súc vật chăn nuôi lớn như trâu, bò, ngựa, dê.
- Mua sắm các phương tiện vận tải như xe bò, thuyền.
- Mua phân hóa học để chuyển biến chất đất.
- Mua sắm thuyền lưới đánh cá biển, mua sắm động cơ để chạy thuyền đánh cá biển.
- Thiết lập các cơ sở chăn tằm, và thiết lập các cơ sở làm nghề phụ ở những nơi ruộng đất ít không đủ sinh sống.
2) Các hợp tác xã, tập đoàn tiến bộ, tiểu thủ công.
Cho vay để mở rộng cơ sở sản xuất gồm phương tiện cơ bản thiết bị máy móc kể cả phương tiện không sản xuất như nhà cửa.
3) Các hợp tác xã và tập đoàn tiến bộ vận tải: cho vay để mua sắm các phương tiện vận tải có tính chất cải tiến chủ yếu là thuyền chạy biển. Riêng miền núi cho vay mua sắm các phương tiện vận tải thô sơ.
4) Các hợp tác xã mua bán: cho vay để xây dựng cơ bản (nhà, kho tàng).
5) Đồng bào miền núi
Vì ở đây chưa cải cách ruộng đất, chưa tổ chức hợp tác xã nên trong một thời gian nhất định tạm thời cho vay dài hạn để mua trâu cày, nông cụ trong điều kiện đồng bào không thể tự túc hoặc điều hòa giúp đỡ nhau được. Nhưng phải giáo dục và gây ý thức đoàn kết tương trợ tạo điều kiện cho phong trào hợp tác hóa.
Ngoài ra, đối với cá nhân xã viên thuộc thành phần bần nông và trung nông nghèo, Ngân hàng còn cho vay vốn dài hạn để nhập cổ phần vào hợp tác xã nông nghiệp hay các thành phần xã viên nghèo vào hợp tác xã tiểu thủ công vay vốn để góp cổ phần công hữu hóa khi vào hợp tác xã, lúc phong trào hợp tác xã lên cao với nguyên tắc thiếu nhiều cho vay nhiều, thiếu ít, cho vay ít, không thiếu không cho vay.
Nguyên tắc của hợp tác xã và các tập đoàn là “cần kiệm xây dựng” tận dụng khả năng nhân tài, vật lực của bản thân, phân biệt nặng nhẹ, nhanh chậm, tiến hành có kế hoạch, có từng bước do đó mức cho vay cũng phải dựa vào nguyên tắc ấy để tránh khỏi sự vượt quá năng lực đảm nhiệm, ảnh hưởng tới việc thu nhập của xã viên, tới việc củng cố hợp tác xã, tập đoàn. Như thế, có nghĩa là khi định mức cho vay, phải dựa vào hai nguyên tắc sau đây:
- Tận dụng hết khả năng vốn cơ bản sẵn có hay lao động riêng của hợp tác xã, tập đoàn.
- Tính toán hiệu quả kinh tế về việc sử dụng các phương tiện cơ bản một cách cẩn thận và tránh lãng phí.
Xuất phát từ giá trị thực tế của các vật tư và khả năng tự có của hợp tác xã trong khi mới xây dựng, cho vay cụ thể từng loại tạm thời quy định như sau:
- Đối với trồng trọt trong nông nghiệp như trồng cay ăn quả và công công nghiệp lưu niên, có thể cho vay đến 50% số vốn cần thiết.
- Đối với việc mua sắm phương tiện cơ bản như trâu bò cày, nông cụ cải tiến, phương tiện vận tải như xe bò, thuyền làm công trình thủy lợi bậc trung, có thể cho vay đến 70% số vốn cần thiết.
- Đối với việc mua sắm phương tiện để dần dần cơ khí hóa như máy phát điện, máy bơm nước, động cơ chạy thuyền đánh cá biển, có thể cho vay đến 80% số vốn cần thiết.
- Đối với chăn nuôi như mua súc vật trâu bò, ngựa, dê có thể cho vay đến 80% số vốn cần thiết.
- Đối với việc mua phân hóa học để chuyển biến chất đất, có thể cho vay đến 40% số vốn cần thiết.
- Đối với việc mua sắm phương tiện mở rộng sản xuất của các hợp tác xã tiểu thủ công “nhà cửa, thiết bị” các H.T.X mua bán như làm nhà cửa, kho tàng, có thể cho vay đến 70% số vốn cần thiết.
- Đối với đồng bào miền núi, tích cực huy động vốn, nếu thật thiếu, sẽ cho vay.
- Đối với cá nhân xã viên (bần nông nghèo túng), vốn để góp cổ phần vào H.T.X nông nghiệp tiểu thủ công, thiếu nhiều cho vay nhiều, thiếu ít cho vay ít, không thiếu không cho vay.
Căn cứ vào tính chất hoạt động của từng loại cho vay, thời hạn cho vay dài hạn nói chung quy định từ trên một năm đến năm năm, nếu có trường hợp nào phải trên năm năm, các địa phương báo cáo cụ thể về Trung ương quyết định, cụ thể tạm thời quy định thời hạn các loại như sau:
- Cây ăn quả và cây công nghiệp lưu niên: tùy từng loại cây có thể từ trên một năm đến năm năm.
- Trâu bò cày vùng đồng chiêm và miền núi: ba năm; đồng mùa; hai năm.
- Máy bơm nước: tối đa không quá năm năm.
- Chăn nuôi trâu, bò, ngựa: không quá hai năm rưỡi.
- Nông cụ cải tiến: từ hai năm rưỡi đến ba năm.
- Công trình thủy lợi bậc trung và tiểu: không quá ba năm.
- Phương tiện vận tải như xe bò, thuyền: hai năm.
- Mua sắm thuyền lưới đánh cá và động cơ chạy thuyền máy: không quá ba năm.
- Mở rộng cơ sở chăn tầm và thiết lập cơ sở làm nghề phụ: hai năm rưỡi.
- Mở rộng cơ sở sản xuất của tiểu thủ công: hai năm rưỡi.
- Làm muối nơi bắt đầu khai hoang: năm năm; nơi phục hồi sản xuất: ba năm.
Trên đây là số dự định mức và thời hạn cho vay, địa phương sẽ tùy từng nơi áp dụng, có thể cao hay thấp hơn, nhưng trên mức hay thời hạn dài ra đều phải có ý kiến của trung ương.
Vì tính chất cho vay dài hạn luân chuyển vốn chậm, tình hình kinh tế cá thể còn nhiều, chế độ cho vay nặng lãi còn phổ biến, nên chính sách cho vay dài hạn quy định theo nguyên tắc:
- Khuyến khích tái sản xuất mở rộng.
- Ưu tiên đối với thành phần có tính chất kinh tế xã hội.
- Giúp đỡ và đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa, đấu tranh cải tạo kinh tế cá thể và tư doanh.
Do đó, nói chung không cho vay riêng lẻ trong giai đoạn quá độ (trừ miền núi) để giúp đỡ các tổ chức tập thể phát triển, lợi suất cho vay dài hạn phải xuất phát từ điều kiện thực tế của tình hình quá độ hiện nay cho nên ấn định như sau.
Miền xuôi:
- Nông nghiệp:
Hợp tác xã : 7% một năm
Tập đoàn: 8% một năm
Tổ đổi công thường xuyên: 8% một năm
- Ngư nghiệp, tiểu thủ công, làm muối:
Hợp tác xã : 8% một năm
Tập đoàn: 9% một năm
- Vận tải:
Hợp tác xã : 9% một năm
Tập đoàn: 10% một năm
- Hợp tác xã mua bán: 6% một năm
Miền núi:
- Vùng cao và lưng chừng:
Nông nghiệp (kể cả chăn nuôi):
Hợp tác xã: 5% một năm
Cá thể: 6% một năm
- Tiểu thủ công, vận tải:
Hợp tác xã: 6% một năm
Cá thể: 7% một năm
- Vùng thấp:
Nông nghiệp (kể cả chăn nuôi):
Hợp tác xã: 6% một năm
Cá thể: 7% một năm
- Tiểu thủ công, vận tải:
Hợp tác xã: 7% một năm
Cá thể: 8% một năm
(Các tập đoàn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải của anh chị em cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, áp dụng lợi suất Hợp tác xã).
Quy định như vậy nhằm triệt để động viên vốn tự có của các hợp tác xã, tập đoàn, khuyến khích luân chuyển vốn nhanh hơn, đấu tranh kéo dần lợi suất thị trường tự do xuống mức hợp lý, đi dần đến thủ tiêu cho vay tự do và thống nhất tập trung tín dụng vào Ngân hàng quốc gia.
Nguyên tắc cho vay đã quy định rõ “các đối tượng vay vốn phải trả cả vốn lẫn lãi đúng hạn định” nhưng không có nghĩa là năm cuối cùng của hạn vay mới trả mà trả dần từng năm theo một tỷ lệ nhất định. Căn cứ vào từng loại vay và tính chất hoạt động của từng ngành sản xuất, tỷ lệ trả nợ cả vốn lẫn lãi tạm thời quy định như sau:
1) Nông nghiệp:
- Trồng cây công nghệ, cây ăn quả lưu niên, nếu thời hạn cho vay năm năm thì hai năm đầu chưa thu, năm thứ ba sẽ thu 20%, năm thứ tư 30%, năm thứ năm 50%. Nếu thời hạn ba năm thì năm thứ hai 40%, năm thứ ba 60%.
- Trâu bò cày, nếu thời hạn ba năm thì năm đầu thu 30%, năm thứ hai thu 30%, năm thứ ba 40%. Nếu thời hạn hai năm thì năm đầu thu 40%, năm sau thu 60%.
- Nông cụ cải tiến, thời hạn hai năm, năm đầu thu 40%, năm thứ hai 60%.
- Thủy lợi, thời hạn ba năm thì năm đầu thu 20%, năm thứ hai thu 30%, năm thứ ba thu 50%.
- Phân để cải biến chất đất, thời hạn ba năm, năm đầu 10%, năm thứ hai 40%, năm thứ ba thu 50%.
- Phương tiện vận tải (thuyền, xe bò) năm đầu thu 40%, năm thứ hai thu 60%.
- Thiết lập cơ sở chăn tầm, năm đầu thu 40%, năm thứ hai thu 60%.
- Máy bơm nước, thời hạn năm năm thì năm đầu thu 10%, năm thứ hai 20%, năm thứ ba 30%, năm thứ tư 30%, năm thứ năm 10% - Nếu ba năm thì năm đầu phải thu 30%, năm thứ hai 40%, năm thứ ba 30%.
2) Ngư nghiệp:
- Mua sắm thuyền lưới mới, năm đầu thu 30%, năm thứ hai thu 50%, năm thứ ba thu 20%.
- Động cơ máy chạy thuyền, năm đầu thu 35%, năm thứ hai thu 45%, năm thứ ba thu 20%.
3) Làm muối:
- Nếu thời hạn năm năm thì năm đầu thu 10%, năm thứ hai thu 15%, năm thứ ba thu 20%, năm thứ tư thu 25%, năm thứ năm thu 30%. Nếu thời hạn ba năm thì năm đầu thu 20%, năm thứ hai thu 30%, năm thứ ba thu 50%.
4) Tiểu thủ công:
- Nhà cửa, thiết bị máy móc, năm đầu thu 30%, năm thứ hai 40%, năm thứ ba thu 30%.
5) Vận tải:
- Thuyền chèo bằng tay, năm đầu thu 40%, năm thứ hai thu 60%.
- Thuyền và động cơ chạy máy, năm đầu thu 30%, năm thứ hai thu 50%, năm thứ ba thu 20%.
6) Hợp tác xã mua bán – Nhà cửa, kho tàng, năm đầu thu 30%, năm thứ hai thu 40%, năm thứ ba thu 30%.
Tỷ lệ thu nợ tạm thời quy định trên phải trả đúng và nếu thu hoạch khá, có thể trả hơn. Trường hợp trả không đúng tỷ lệ, phải có lý do chính đáng và được Ngân hàng đồng ý.
Các hợp tác xã, các tập đoàn tổ chức ra phải được cấp trên có thẩm quyền công nhận thì được vay vốn. Đối với các tập đoàn sản xuất của cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc phải có sự bảo lãnh của Phòng miền Nam.
Ngoài những điều kiện đó, dựa theo tình hình tổ chức của các hợp tác xã, các tập đoàn hiện nay khi vay vốn cần có những điều kiện sau đây:
a) Các hợp tác xã:
- Phân biệt được vốn sản xuất và vốn không thể phân chia (vốn cơ bản), không sử dụng loại vốn này vào công việc thuộc loại vốn khác.
Hợp tác xã phải gửi những số tiền thuộc quỹ không thể phân chia vào Ngân hàng.
- Lập được kế hoạch sản xuất từng vụ.
- Phải có sổ sách kế toán và có kế hoạch thu chi tài vụ.
b) Các tập đoàn tiến bộ, tiểu thủ công, ngư nghiệp, chăn nuôi:
- Tổ chức được quỹ cổ phần sản xuất.
- Lập được kế hoạch sản xuất từng vụ.
- Lập được bản thu chi tài vụ.
- Có sổ sách kế toán.
c) Các tổ đổi công thường xuyên:
- Nội bộ đoàn kết lãnh đạo chặt chẽ.
- Đổi công tất cả mọi công việc, đồng áng trong cả năm.
- Có chương trình kế hoạch sản xuất giản đơn.
XI. LẬP VÀ XÉT KẾ HOẠCH VAY VỐN
Muốn được vay vốn, các đối tượng xin vay phải làm những việc sau đây:
1) Các hợp tác xã và các tập đoàn phải lập kế hoạch vay vốn 6 tháng một lần và gửi đến Ngân hàng địa phương nơi mình hoạt động vào đầu tháng 12 cho kế hoạch 6 tháng đầu năm sau, đầu tháng 6 năm đó cho kế hoạch 6 tháng cuối năm, kèm theo kế hoạch vay vốn có các bản kế hoạch sản xuất (theo các mẫu kèm sau). Trong các bản vay vốn và kế hoạch sản xuất, phải có chứng nhận của Ủy ban hành chính địa phương và nông hội. Các tập đoàn miền Nam, phải có bảo lãnh của Phòng miền Nam hoặc Ban Thống nhất trung ương. Hợp tác xã, tập đoàn nào khi mới đầu vay vốn, phải gửi theo một bản nội quy tổ chức và chương trình sản xuất nếu sau này có sự thay đổi về nội quy chương trình sản xuất thì phải sao gửi nghị quyết của Đại hội xã viên về sự thay đổi đó tới Ngân hàng.
2) Đồng bào miền núi phải trình bày rõ ràng yêu cầu mục đích xin vay, số tiền và thời hạn vay trả vào đơn xin vay có nhận thực của chính quyền, nông hội địa phương.
3) Các Ngân hàng địa phương khi nhận được kế hoạch vay vốn của các hợp tác xã, các tập đoàn phải sao lại và tổng hợp ý kiến nhận xét đối với từng hợp tác xã và tập đoàn đồng thời nghiên cứu kế hoạch của hợp tác xã tín dụng nơi có tập đoàn hay hợp tác xã xin vay vốn để thống nhất kế hoạch cho vay và tùy điều kiện sau này có thể ủy nhiệm cho hợp tác xã tín dụng đứng ra cho vay, nghiên cứu và kết hợp với ý kiến của Ủy ban địa phương để xem xét lại kế hoạch phát triển sản xuất của các hợp tác xã tập đoàn có đúng phương hướng chung của tỉnh không? Nếu đúng thì có ý kiến gửi về Trung ương vào giữa tháng 12, giữa tháng 6 hàng năm, nếu không đúng thì cùng hợp tác xã, tập đoàn đó nghiên cứu lại.
4) Các Phòng miền Nam hoặc Ban Thống nhất trung ương sau khi nhận được kế hoạch vay vốn của các tập đoàn, cần nghiên cứu và có ý kiến nhận xét rồi tổng hợp gửi cho Ngân hàng địa phương (đối với Phòng miền Nam) hoặc gửi Ngân hàng trung ương (đối với Ban Thống nhất trung ương) Ban Công tác nông thôn trung ương hàng năm và 6 tháng một, căn cứ vào tình hình tổ chức và phát triển của hợp tác xã có nhận định chung về yêu cầu vốn đối với từng vùng gửi Ngân hàng trung ương để giúp vào việc xét duyệt kế hoạch cho vay đối với các hợp tác xã.
5) Ngân hàng trung ương (Vụ nghiệp vụ nông thôn) căn cứ vào ý kiến nhận xét của địa phương tham khảo ý kiến nhận xét của Ban Công tác nông thôn, Ban Thống nhất trung ương xét và tham gia ý kiến cho từng hợp tác xã, từng tập đoàn. Sau khi xét hoàn trả lại để chi nhánh báo cho hợp tác xã, tập đoàn biết và tiến hành cho vay dần theo nhu cầu cần thiết của từng hợp tác xã, tập đoàn.
6) Trường hợp có những hợp tác xã, tập đoàn nào thành lập sau khi đã xét kế hoạch tổng hợp mà cần vay vốn để sản xuất kịp thời vụ, các Chi nhánh nghiên cứu nhận xét và gửi về Trung ương chờ Trung ương đồng ý giao chỉ tiêu về mới tiến hành cho vay. Tuyệt đối không tự động lấy chỉ tiêu đã duyệt cho các hợp tác xã trước mà cho vay hợp tác xã, tập đoàn sau này.
7) Đối với đồng bào miền núi xuống núi hoặc định canh định cư, Trung ương giao chỉ tiêu chung cho địa phương. Địa phương nhận xét và căn cứ vào chỉ tiêu chung tiến hành cho vay.
1) Các tập đoàn, hợp tác xã, các tổ đổi công thường xuyên nào đã được cấp trên công nhận, đồng bào miền núi được chính quyền, nông hội địa phương nhận thực, Ngân hàng sẽ tiến hành cho vay. Khi vay Ban quản trị các hợp tác xã, tập đoàn thay mặt xã viên trực tiếp giao dịch với Ngân hàng trong việc vay vốn trả nợ. Đối với đồng bào miền núi, nếu tổ chức thành tổ thì tổ trưởng giao dịch nhưng ghi nợ vẫn ghi từng người trong tổ. Nếu cá nhân vay thì cá nhân trực tiếp giao dịch.
2) Mỗi lần vay vốn, Ban quản trị phải nộp cho Ngân hàng một đơn vay vốn và bản kế hoạch về phần định vay vốn có chính quyền địa phương nhận thực đối với hợp tác xã, tập đoàn và tổ đổi công, có phòng miền Nam bảo lĩnh đối với các tập đoàn sản xuất của cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam. Nếu xây dựng cơ bản nhà cửa, máy móc, cần phải có bản đề án kỹ thuật. Ngân hàng chỉ cho vay đối với các đơn đó đã nằm trong kế hoạch cho vay của Ngân hàng. Nếu đơn đó không nằm trong kế hoạch phải là trường hợp vì điều chỉnh sản xuất đã gửi tới Ngân hàng và đã được Ngân hàng đồng ý sẽ cho vay.
3) Sau khi xét và quyết định cho vay, Ban quản trị trực tiếp ký vào khế ước và nhận tiền vay, khế ước làm thành hai bản: một gửi tại Ngân hàng, một Ban quản trị giữ. Riêng đối với các tập đoàn miền Nam làm ba khế ước: một gữi tại Ngân hàng, một tập đoàn giữ, một phòng miền Nam giữ.
1) Ngân hàng có thể kiểm tra trước khi quyết định cho vay và sau khi cho vay vốn, Ngân hàng sẽ trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn.
2) Ban quản trị và ban kiểm soát có nhiệm vụ giúp đỡ cán bộ Ngân hàng trong việc kiểm tra, trình bày kế hoạch cụ thể về sử dụng vốn và những thiếu sót, những khó khăn còn tồn tại v.v…
3) Nếu có khoản vốn vay nào sử dụng không đúng mục đích hoặc không được đảm bảo bằng vật tư, Ngân hàng quyết định thu hồi vốn đó về trước hạn định.
4) Khi kiểm tra, Ngân hàng sẽ giúp đỡ ý kiến trong việc cải tiến công tác tài vụ, đặc biệt về mặt kế toán và có thể phát hiện thêm được những thiếu sót lệch lạc khác giúp ban lãnh đạo các hợp tác xã, các tập đoàn kịp thời sửa chữa để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất.
XIV. NHIỆM VỤ CỦA HỢP TÁC XÃ, TẬP ĐOÀN VÀ ĐỒNG BÀO MIỀN NÚI TRONG VIỆC VAY VỐN
1) Phải dùng vốn vay vào đúng mục đích đã kê khai trong đơn vay và trong khế ước. Nếu vì lý do gì không dùng hết hoặc không dùng đến, phải trả lại Ngân hàng ngay. Vốn vay loại nào phải dùng vào loại ấy. Ngân hàng kiên quyết thu hồi tất cả hay một phần số vốn vì sử dụng sai. Trường hợp muốn thay đổi việc dùng vốn, phải báo cáo cho Ngân hàng và phải được Ngân hàng thỏa thuận điều chỉnh lại giấy tờ mới được dùng.
2) Các hợp tác xã, các tập đoàn tùy theo điều kiện xa gần, phải mở tài khoản ở Ngân hàng (Chi nhánh, Chi điếm, phòng giao dịch, hoặc hợp tác xã tín dụng được Ngân hàng ủy nhiệm) để gửi những số tiền thuộc quỹ không thể phân chia của mình vào các tài khoản đó.
3) Các hợp tác xã, các tập đoàn các tổ đổi công thường xuyên phải trả nợ sòng phẳng đúng kỳ hạn. Nếu vì lý do gì đó mà chưa trả được phải báo cáo cụ thể và ý định xin hoãn nợ đến thời hạn nào do hội nghị xã viên thông qua ý định đó và phải có nhận thực của chính quyền, nông hội địa phương. Ngân hàng sẽ xét từng trường hợp cụ thể mà quyết định.
4) Nếu vì quản lý kém, dây dưa không trả nợ thì Ngân hàng trích phần vốn tích lũy gửi ở Ngân hàng để thanh toán nợ. Đồng thời Ngân hàng sẽ đình chỉ cho vay đối với hợp tác xã, tập đoàn đó. Khi nào thanh toán xong nợ cần vốn mới được Ngân hàng tiếp tục cho vay.
5) Nếu khi thiên tai bất trắc có sự xác định của chính quyền, nông hội địa phương, Ngân hàng có thể xét và trong phạm vi vốn dự phòng của mình, cho vay thêm để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
1) Trường hợp có người vào hay ra hợp tác xã:
Ngân hàng cho vay các hợp tác xã và tập đoàn là cho vay chung. Nếu có người vào hay ra, việc đó thuộc công việc nội bộ của các hợp tác xã.
2) Trường hợp giải tán hoặc sát nhập:
Nếu vì lý do gì mà các hợp tác xã, tập đoàn giải tán thì trước hết phải dùng tài sản chung thanh toán nợ cho Ngân hàng. Nếu tài sản chung không đủ thanh toán nợ thì phải phân bổ cho từng xã viên. Bản phân bổ này phải tùy theo khả năng của từng người mà định thời hạn trả có chữ ký nhận của từng người và nhận thực của chính quyền, nông hội địa phương.
Nếu cần sát nhập hợp tác xã hay tập đoàn thì trước hết hợp tác xã, tập đoàn có nợ đến hạn phải thanh toán nợ xong hay chưa đến hạn nhưng quỹ tích lũy hàng năm có một số tiền nào đó thì cũng thanh toán một phần. Số nợ còn lại chuyển sang hợp tác xã hay tập đoàn mới chịu. Nhưng phải làm giấy nhận nợ có chứng nhận của Chính phủ, nông hội địa phương, Ngân hàng căn cứ vào đó mà điều chỉnh giấy tờ ghi nợ cho hợp tác xã, tập đoàn mới.
Việc giúp đỡ và cho vay vốn dài hạn đối với các thành phần kinh tế xã hội và bán xã hội chủ nghĩa để có điều kiện mở rộng tái sản xuất là một việc rất quan trọng. Căn cứ vào tình hình hiện nay chủ trương cho vay dài hạn mới đặt ra với các đối tượng Hợp tác xã các loại, các tập đoàn tiến bộ, các tổ đổi công thường xuyên sản xuất các mặt nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, đồng bào miền núi xuống núi hoặc định cư, định canh, để giúp đỡ có vốn mở rộng sản xuất cải tiến kỹ thuật nâng cao mức thu hoạch, cải thiện đời sống, thúc đẩy phong trào hợp tác ở nông thôn là thích hợp và rất cần thiết. Nhưng việc cho vay dài hạn vào kiến thiết cơ bản có nhiều khó khăn phức tạp hơn việc cho vay ngắn hạn, đòi hỏi cán bộ phải nghiên cứu kỹ nắm vững chủ trương, biện pháp cho vay thu nợ áp dụng thích hợp với hoàn cảnh thực tế từng nơi, từng lúc.
Tình hình trên cần phải có một thể lệ cho vay dài hạn cụ thể cho từng đối tượng. Nhưng vì các tổ chức trên mới thành lập, mới hoạt động, kinh nghiệm thực tế chưa có, cần phải qua một thời gian nghiên cứu mới định các loại cho vay, thời hạn vay một cách thích hợp. Do đó Ngân hàng quốc gia Việt Nam định một số biện pháp để tiến hành cho vay lúc đầu.
Sau này tùy theo tình hình phát triển sẽ sửa đổi bổ sung thành một chế độ cho vay dài hạn đối với từng đối tượng cho thích hợp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.