VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 124/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BÀN BIỆN PHÁP CHỐNG HẠN, HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÁC TỈNH MIỀN TRUNG, TÂY NGUYÊN
Ngày 14 tháng 3 năm 2013, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp “Bàn biện pháp chống hạn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên”. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Lãnh đạo và đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo; ý kiến của các Bộ, địa phương và EVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
Từ tháng 8 năm 2012 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng, nhất là các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai các giải pháp chống hạn, tập trung huy động nguồn lực, vận động nhân dân chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sử dụng tiết kiệm nước. Tuy nhiên, do lượng dòng chảy trên các sông liên tục thiếu hụt, trong khi dung tích trữ của các hồ chứa nước ở các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên không lớn, nhiều hồ chứa chưa đảm bảo an toàn nên không được tích nước.
Thời gian tới theo dự báo tình trạng khô hạn, thiếu nước có thể còn gay gắt hơn, rộng hơn ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên (các tỉnh Tây Nguyên khô hạn có thể kéo dài đến cuối tháng 4 năm 2013, các tỉnh Trung Bộ có thể kéo dài đến tháng 7, tháng 8 năm 2013). Để chủ động phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động tính toán cân đối nguồn nước hiện có để đảm bảo cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu và cho sản xuất, trước hết cần ưu tiên nước cho sinh hoạt của nhân dân và nước cho chăn nuôi gia súc; chỉ đạo, thực hiện triệt để các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tổ chức nạo vét các kênh rạch, ao hồ; tận dụng kênh rạch, sông suối nội địa để trữ nước ngọt, tăng nguồn nước bơm tát. Huy động công cụ bơm tát thủ công của từng hộ gia đình, khơi sâu giếng đào, khoan thêm giếng nước (nếu có hiệu quả); tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, theo dõi diễn biến mặn để tranh thủ lấy nước trữ vào các kênh rạch; vận hành hợp lý các công trình để kịp thời tiếp nguồn nước cho những khu vực khó khăn.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất (gieo trồng) vụ Hè Thu năm 2013 theo điều kiện nguồn nước hiện có, những khu vực không đủ nước tưới, hoặc khó khăn về nguồn nước phải hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng khác có khả năng chịu hạn để hạn chế thiệt hại do hạn hán.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo EVN phối hợp với địa phương xây dựng phương án, kế hoạch điều tiết xả nước các hồ thủy điện, cùng với các hồ thủy lợi hiện có đảm bảo cấp nước tưới cho sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng địa phương và nhân dân, tổ chức sản xuất theo đúng lịch thời vụ và kế hoạch xả nước của các hồ thủy điện, thủy lợi đảm bảo gieo cấy tập trung, đại trà nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tránh thất thoát lãng phí nước.
4. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát tình hình hạn hán ở các địa phương, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; trước mắt, bố trí kinh phí tạm ứng cho các địa phương khắc phục hạn hán, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 3 năm 2013.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến về thời tiết, thủy văn dòng chảy để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước; cung cấp thông tin, dự báo về khí tượng thủy văn để phục vụ công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất.
6. Về lâu dài: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nghiên cứu các giải pháp tổng thể, như: điều tra, nghiên cứu quy hoạch nguồn nước, quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước phát triển hồ chứa phù hợp lưu vực cung cấp nguồn nước; đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn của các hồ chứa.
7. Về bổ sung vốn sửa chữa hoàn thiện hồ chứa: Phi Liêng ĐaKrông (Lâm Đồng) và hồ chứa EaH'nin II (Đắk Lắk): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định nguồn và mức vốn đầu tư hỗ trợ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.