BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8936/BGTVT-KHĐT | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2008 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương là dự án đường ô tô cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được triển khai xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Dự án được Thủ tướng Chính phủ (TTgCP) cho phép đầu tư (giai đoạn I) tại Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 06/12/2004 với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 6.555,0 tỷ đồng theo cơ chế vốn ứng trước từ ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua Bộ Tài chính.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép (văn bản số 1966/TTg-CN ngày 20/12/2007), Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư điều chỉnh (giai đoạn I) tại Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 22/8/2008 với TMĐT điều chỉnh là 9.884,5 tỷ đồng, tăng 3.329,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt tại Quyết định 1286/QĐ-TTg .
Dự án đã được khởi công xây dựng từ tháng 12/2004, đến nay đã đạt 75% khối lượng và đã giải ngân được 6.555,0 tỷ đồng (tương ứng với TMĐT trước khi điều chỉnh). Để có nguồn vốn nhằm hoàn thành đúng tiến độ của dự án theo chỉ đạo của TTgCP là đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2009, Bộ GTVT đã có công văn số 7089/BGTVT-KHĐT ngày 26/9/2008 đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về phần còn thiếu nguồn vốn theo TMĐT điều chỉnh. Ngày 04/11/2008, Bộ Tài chính có công văn số 13176/BTC-ĐT đề nghị Bộ GTVT báo cáo TTgCP về số vốn còn thiếu (3.329,5 tỷ đồng) và yêu cầu Bộ GTVT làm việc với Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) về đề án bán quyền thu phí của dự án theo chỉ đạo của TTgCP tại văn bản số 1966/TTg-CN ngày 20/12/2007.
Ngày 14/11/2008, Lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với BIDV về đề án bán quyền thu phí dự án với nội dung chính đề án của BIDV được tóm tắt như sau:
- Giá mua : 5.380 tỷ (60% của TMĐT điều chỉnh 9.984 tỷ đồng). Trong đó 807 tỷ đồng (15% x 5.380) dùng vốn tự có của BIDV và yêu cầu tính lãi suất 17%/năm; 4.573 tỷ (85% x 5.380) dùng vốn vay nước ngoài được Nhà nước bảo lãnh và yêu cầu tính lãi suất 21%/năm. Phần 4.604 tỷ đồng còn lại (trong tổng số 9.984 tỷ) đề nghị Nhà nước hỗ trợ.
- Phương thức mua: BIDV mua chịu trong 7 năm đầu, trả nợ dần trong vòng 8 năm tiếp theo.
- Vốn đầu tư hạng mục Trung tâm điều hành: Dự kiến vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc nhưng phải có Nhà nước bảo lãnh.
- Điều kiện mua: Được thu thêm hai (02) trạm ngoài dự án. Cụ thể là tiếp quản thu phí ngay trạm cầu Mỹ Thuận và lập thêm một (01) trạm thu phí trên QL1 (nằm khoảng giữa đoạn TP.HCM đi Mỹ Thuận).
- Thời gian mua: 60 năm (50 hoàn vốn, 10 năm ân hạn).
Theo nội dung được BIDV xây dựng như trên cho thấy đề án mua quyền thu phí của BIDV không khả thi, khả năng đáp ứng vốn ngay (phần 3.329 tỷ đồng còn thiếu) của BIDV để tiếp tục thực hiện dự án rất khó khăn.
Để có ý kiến chính thức từ phía BIDV, Bộ GTVT đã có công văn số 8569/BGTVT-KHĐT ngày 25/11/2008 đề nghị đến 30/11/2008 phía BIDV có ý kiến bằng văn bản về khả năng thu xếp vốn để tiếp tục triển khai dự án và nguồn vốn cho hạng mục hệ thống thu phí và trung tâm điều hành đường cao tốc. Tuy nhiên, cho đến nay phía BIDV chưa có văn bản trả lời.
Để có nguồn vốn tiếp tục triển khai được dự án nhằm đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị TTgCP cho phép tiếp tục ứng vốn ngân sách để tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của dự án.
Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.