BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2852/TCHQ-KTSTQ | Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2008 |
Kính gửi: | Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến |
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính về kiểm tra việc nhập khẩu các mặt hàng có giá bán lẻ tăng mạnh, từ ngày 10/9/2007 đến ngày 28/9/2007, Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với việc nhập khẩu mặt hàng sữa bột hiệu Enfa của Quý Công ty (Quyết định kiểm tra sau thông quan số 1486/QĐ-TCHQ ngày 30/08/2007 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan). Sau khi kiểm tra, cơ quan Hải quan đã phát hiện mặt hàng sữa bột của Quý Công ty nhập khẩu từ Philipines có nhiều dấu hiệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Asean để được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D và hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; các C/O mẫu D được cấp không đúng quy tắc xuất xứ và Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D của Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung để thực hiện khu vực mậu dịch tự do ASEAN (dưới đây viết tắt là Quy chế CEPT/AFTA). Cụ thể:
1) Về tiêu chuẩn xuất xứ (origin criterion), các C/O nói trên đều ghi là "said to contain" (tạm dịch là "theo khai báo"). Cách ghi này chỉ áp dụng để người vận tải ghi trên vận tải đơn, do họ không buộc phải biết chính xác về hàng hóa chuyên chở. Đối với việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ thì hoàn toàn khác. Theo quy định tại Quy chế CEPT/AFTA và hướng dẫn tại mặt sau của C/O mẫu D, các ô từ 1 đến 11 (trừ ô số 4 dành cho Hải quan nước nhập khẩu) do chính người xin cấp C/O kê khai, nên họ phải biết rất chính xác về các nội dung đó. Việc ghi như vậy cho thấy dấu hiệu của sự gian lận.
2) Một số C/O, phương thức vận tải ghi là đường hàng không, nhưng tên, số hiệu phương tiện vận tải, chủng loại, lại là container chứa hàng (40') tàu biển. Đây cũng là một dấu hiệu gian lận khác.
3) Trên hộp sữa ghi: Nguyên liệu nhập từ Tân Tây Lan, Đóng gói (paeked) bởi Mead Johnsons Philippines; hoặc ghi: Nguyên liệu sữa nhập từ Newzealand, úc, Châu Âu hoặc Hoa Kỳ, Sản xuất và đóng gói bởi Mead Johnsons Philippines; hoặc ghi: Sản xuất Mead Johnsons B.V Middencampweg 2 Nijmegen, Hà Lan Authorized user, dưới sự uỷ quyền của Mead Johnsons Hoa Kỳ.
Đây là mặt hàng sữa công thức (Milk Formular), thành phần chính là các vitamin, khoáng chất, mà các thành phần này được nhập khẩu từ khu vực trên, nên hàm lượng trị giá chủ yếu được tạo thành bởi nguyên liệu nhập khẩu ngoài Asean. Tuy nhiên, trên nhiều C/O lại ghi hàm lượng ngoài Asean chỉ 40% (non Asean content 40%). Theo thông lệ quốc tế, công đoạn đóng gói chỉ tạo ra một hàm lượng trị giá rất nhỏ, không thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ.
4) Một C/O thường cấp cho nhiều sản phẩm sữa với các hàm lượng xuất xứ khác nhau, nhưng C/O không thể hiện rõ hàm lượng xuất xứ của từng sản phẩm, mà ghi chung cho tất cả các sản phẩm trên C/O là "non Asean content 40%" hoặc "non Asean content 60%". Việc ghi như vậy vừa là dấu hiệu gian lận, vừa sai quy định (theo quy định của Quy chế CEPT/AFTA thì phải ghi rõ tỉ lệ hàm lượng Asean là bao nhiêu phần trăm cho từng sản phẩm).
5) Trong cùng thời gian, cùng một sản phẩm sữa, cùng nhà sản xuất, cùng người mua, người bán nhưng hàm lượng xuất xứ (ô số 8) chênh lệch nhau rất lớn: có C/O ghi non Asean content 40%)" có cho ghi "non Asean content 60%".
6) Một số lô hàng trên hộp sữa thể hiện mã số mã vạch là Hà Lan, nhưng vẫn có C/O mẫu D, ghi xuất xứ Philippines.
7) Ngoài ra, các C/O này không phù hợp với quy định của Quy chế xuất xứ CEPT/AFTA về số tham chiếu, nước hưởng ưu đãi không bao gồm Việt Nam.
Để làm rõ những nghi ngờ về tiêu chuẩn xuất xứ nói trên, Tổng cục Hải quan đã có 3 văn bản (và nhiều lần điện thoại trực tiếp đôn đốc) gửi Hải quan Philipines (cơ quan có thẩm quyền cấp C/O mẫu D), trong đó văn bản ngày 19/12/2007 nêu cụ thể các nghi ngờ của Hải quan Việt Nam, yêu cầu Hải quan Philipines giải thích và cung cấp chứng từ, tài liệu chứng minh là hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Asean để được cấp C/O mẫu D. Trong văn bản gửi ngày 19/12/2007, Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ là các sản phẩm sữa đó không đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Asean để được cấp C/O mẫu D. Đến nay, đã quá thời hạn quy định tại Quy chế CEPT/AFTA (thời hạn trả lời là 3 tháng) nhưng Hải quan Philipines không có phản hồi về vấn đề này. Động thái này chứng tỏ Hải quan Philipines không thể giải thích được các nghi ngờ của Hải quan Việt Nam. Theo Quy chế CEPT/AFTA thì Hải quan Việt Nam đã có thể kết luận, quyết định.
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức họp với Bộ Công Thương, cơ quan điều phối thực hiện CEPT/AFTA về việc này. Các bên đều thống nhất là với các dấu hiệu ghi ở trên đã có thể kết luận là mặt hàng sữa bột của Công ty nhập khẩu từ Philipines không đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Asean, không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT/AFTA.
Về phía Công ty, cho tới nay, ngoài ý kiến giải trình sau khi Đoàn kiểm tra ban hành Bản Kết luận kiểm tra sau thông quan ngày 28/09/2007, Công ty cũng không có văn bản, tài liệu nào khác chứng minh các lô hàng sữa bột nhập khẩu từ Philipines đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Asean.
Căn cứ Luật Quản lý thuế; các quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, và khoản 1 Điều 17 Phụ lục II (thủ tục cấp C/O mẫu D), khoản b, Điều 8, Phụ lục IV (thủ tục xin kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ) của Quy chế CEPT/AFTA và các điều khoản tương ứng tại Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM ngày 04/10/2004 của Bộ Thương mại ban hành kèm theo Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D, Thông tư số 14/2006/TT-BTC ngày 28/02/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế suất CEPT; trên cơ sở ý kiến thống nhất giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan quyết định truy thu số tiền thuế chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT/AFTA đối với các lô hàng sữa bột của Công ty được nhập khẩu từ Philipines.
Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty được biết, thực hiện. Nếu Công ty có ý kiến khác thì đề nghị, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản này, gửi văn bản (kèm tài liệu, chứng từ) chứng minh hàng hoá nhập khẩu của Công ty đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Asean. Quá thời hạn trên Công ty không có văn bản giải trình hoặc có văn bản giải trình nhưng không chứng minh được (cụ thể là không có các tài liệu, chứng từ kèm) là hàng hóa nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Asean thì, căn cứ Điều 77 Luật Quản lý thuế, Tổng cục Hải quan sẽ chính thức quyết định truy thu thuế./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.