BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2113/TM-ĐB | Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2004 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Phúc công văn số 4231/TC-HTQT ngày 22/4/2004 của Bộ Tài chính lấy ý kiến về việc điều chỉnh lộ trình giảm thuế CEPT/AFTA đối với mặt hàng chất hoá dẻo (DOP và một số chất có thể thay thế DOP), Bộ Thương mại có ý kiến như sau:
1. Hiện nay, ta đang có ý định hoãn thực hiện CEPT/AFTA đến ngày 01/01/2006 đối với 14 dòng thuế linh kiện, phụ tùng xe máy và ô tô tải nhỏ. Nếu tiếp tục tăng thuế CEPT/AFTA đối với mặt hàng DOP, ta sẽ bị các nước ASEAN đánh giá là không nghiêm túc thực hiện các cam kết CEPT/AFTA, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, nhất là đối với các nước thành viên ASEAN mới (CLMV);
2. Đề xuất tăng thuế suất CEPT/AFTA từ 5% lên 10% cho đến hết năm 2004 là không hợp lý vì thời gian từ nay đến cuối năm 2004 chỉ còn 8 tháng. Thời gian này quá ít để doanh nghiệp đầu tư sản xuất giảm giá thành nhằm cạnh tranh với giá DOP của các nước ASEAN khác;
3. Về thị phần sản xuất trong nước, công ty liên doanh LG-Vina hoá chất là công ty duy nhất có khả năng sản xuất được DOP, chiếm 90% thị phần trong nước. Việc tăng thuế suất CEPT/AFTA chỉ mang tính chất bảo hộ, không khuyến khích giảm giá thành đầu vào cho sản xuất trong nước;
4. Mặt hàng chất hoá dẻo (DOP) là đầu vào của các ngành nhựa, vải giả da, vỏ bọc dây và cáp điện, tấm trần, tấm trải sàn, bạt, tấm lợp, ống nước,... Nếu tăng thuế suất CEPT/AFTA sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành phẩm của các mặt hàng này. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2003, ta nhập khẩu mặt hàng chất dẻo nguyên liệu DOP từ ASEAN (chủ yếu là từ Singapore, Thái Lan, Malaysia và Inđônêxia) khoảng 417 ngàn tấn (chiếm 41.9% tổng lượng nhập khẩu) với kim ngạch nhập khẩu 312 triệu USD (chiếm 39,8% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng DOP).
Về giá nhập khẩu mặt hàng DOP, nếu nhập khẩu với mức thuế suất ưu đãi 5% theo Chương trình CEPT/AFTA, giá nhập khẩu mặt hàng này là 748 USD/tấn. Trong khi đó, giá nhập khẩu DOP ngoài ASEAN lên đến 817 USD/tấn do phải chịu mức thuế nhập khẩu 15%. Do đó, việc duy trì thuế suất ưu đãi CEPT/AFTA 5% sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức giá rẻ hơn 69 USD/tấn. Đây chính là lợi ích của việc thực hiện CEPT/AFTA góp phần giảm giá các mặt hàng nhựa thành phẩm, có lợi cho người tiêu dùng trong nước và tăng sức cạnh tranh về giá cho các mặt hàng xuất khẩu;
5. Đầu năm 2004, giá nguyên liệu nhựa tăng giá do giá dầu mỏ tăng liên tục từ cuối năm 2002 đến nay. Bên cạnh đó, giá điện, cước chuyên chở... tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ. Một số hãng hoá chất lớn của Mỹ giảm sản lượng khiến thị trường nguyên liệu nhựa thế giới (trong đó có hai loại phổ thông là PVC và styrene monomer-SM) đứng ở mức cao. Một yếu tố nữa là thị trường nhựa Trung Quốc đang nóng lên và vượt qua Mỹ về lượng tiêu thụ nguyên liệu. Diễn biến này xảy ra đúng vào lúc nguồn giảm sút. Điều này góp phần làm giá nguyên liệu nhựa tăng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa, tại Quyết định 03/2004/QĐ-BTNMT ngày 2/4/2004, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép các doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước nhập khẩu phế liệu, nhựa tái chế kết hợp với nhựa chính phẩm vào sản xuất nhựa để ổn định thị trường nguyên liệu nhựa trong nước và nâng cao sức cạnh tranh;
6. Những năm gần đây, sản xuất sản phẩm nhựa đã trở thành một ngành có đóng góp quan trọng cho xuất khẩu. Năm 2003, kim ngạch xuất khẩu nhựa đạt 185 triệu USD, tăng 22.1% so với năm 2002, dự kiến năm nay xuất khẩu toàn ngành đạt 220 triệu USD, tăng 18% so với năm 2003.
Với những lý do nêu trên, Bộ Thương mại cho rằng ta không nêu điều chỉnh lịch trình cắt giảm thuế CEPT/AFTA đối với mặt hàng chất dẻo nguyên liệu đầu vào của ngành nhựa.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thương mại, xin gửi Quý Bộ tham khảo./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI THỨ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.