VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 994/VKSTC-V3 | Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2012 |
Kính gửi: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa
Trong thời gian vừa qua, một số Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong đó có Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị hướng dẫn việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật hình sự. Sau khi đã trao đổi, tiếp thu hướng dẫn của Viện Khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao) và Viện Khoa học kiểm sát, trong khi chờ Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương có hướng dẫn, Vụ THQCT và KSXX hình sự có ý kiến như sau:
1. Về tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” (điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự).
Sửa chữa, bồi thường và khắc phục là ba khái niệm có nội dung khác nhau, cụ thể: sửa chữa là chữa lại những cái bị hư hỏng; bồi thường là đền bù lại những thiệt hại mà mình gây nên cho người khác; khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Như vậy, điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự quy định có ba tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội tự nguyện sửa chữa thiệt hại, người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả chứ không phải chỉ là một tình tiết giảm nhẹ. Do tính chất của ba tình tiết này gần giống nhau nên được quy định trong cùng một điểm.
2. Về tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” (điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự).
Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là hai khái niệm có nội dung khác nhau, cụ thể: Thành khẩn khai báo là không khai gian dối một điều gì có liên quan đến hành vi phạm tội; ăn năn hối cải là trường hợp sau khi phạm tội, người phạm tội cảm thấy bị cắn rứt, giày vò lương tâm về những việc mình làm, hối hận và muốn sửa chữa sai lầm. Như vậy, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự quy định có hai tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội thành khẩn khai báo và người phạm tội ăn năn hối cải chứ không phải chỉ là một tình tiết giảm nhẹ.
3. Về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” (điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự).
Khái niệm “Chưa gây thiệt hại” và “Gây thiệt hại không lớn” đều nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. “Chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp “Chưa gây thiệt hại”.
“Gây thiệt hại không lớn” là trường hợp đã có thiệt hại xảy ra nhưng thiệt hại đó không lớn hơn so với mức bình thường. Khi xác định hậu quả như thế nào là bình thường cần căn cứ vào các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, thiệt hại cụ thể đã gây ra cho người bị hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất) trong từng trường hợp cụ thể.
Trên đây là ý kiến của Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự, xin thông báo để Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa tham khảo, vận dụng ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.