BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2011 |
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1067 QĐ/BNN-LN ngày 27/4/2004. Các Hiệp định của dự án được ký kết ngày 04/4/2005 và có hiệu lực từ ngày 04/8/2005, trong đó Hiệp định Tín dụng Phát triển số 3953-VN tài trợ 27,3 triệu SDR (tương đương khoảng 42,3 triệu USD theo tỷ giá trung bình hiện nay) cho các hợp phần Phát triển thể chế, Trồng rừng sản xuất và Quản lý dự án; Hiệp định Viện trợ Tín thác Quỹ Môi trường Toàn cầu số 53397-VN tài trợ 9 triệu USD cho hợp phần Rừng đặc dụng. Ngày đóng tài khoản của các Hiệp định nói trên là ngày 31/3/2011.
Mục tiêu ban đầu dự án sẽ tiến hành trồng khoảng 65.600ha rừng tại 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định trong đó khoảng 55.800ha là rừng trồng quy mô hộ gia đình và khoảng 9.800ha là rừng trồng của các Lâm trường Quốc doanh; và thực hiện hoạt động bảo tồn tại khoảng 50 khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao trên các vùng sinh thái khác nhau trong phạm vi cả nước.
Kết quả thực hiện đến hết năm 2010 dự án đã thiết lập được khoảng 38.700ha rừng sản xuất trên địa bàn 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, đạt 59% so với mục tiêu toàn dự án và 70% mục tiêu rừng trồng quy mô hộ gia đình. Nguồn vốn tín dụng giải ngân đến hết năm 2010 đạt khoảng 24,7 triệu USD và dự kiến đến thời điểm kết thúc dự án 31/3/2011 sẽ giải ngân khoảng 27,7 triệu USD, đạt 65%.
Đã có 74 khu rừng đặc dụng trên cả nước được Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) phê duyệt tài trợ triển khai các tiểu dự án bảo tồn đa dạng sinh học, hoàn thành vượt mục tiêu về khối lượng. Nguồn vốn viện trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) giải ngân đến hết năm 2010 khoảng 3,1 triệu USD và dự kiến đến 31/3/2011 sẽ giải ngân khoảng 5 triệu USD, đạt 56%.
Trong giai đoạn đầu thực hiện, dự án chưa đạt được tiến độ như mong muốn do gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc như sự biến động quỹ đất cho đầu tư trồng rừng tại các tỉnh, các Lâm trường Quốc doanh không được tham gia dự án do thay đổi chính sách của nhà tài trợ, giới hạn mức trần giải ngân cho các khu rừng đặc dụng quá thấp đã không thể đẩy nhanh được tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Tuy nhiên, những vướng mắc trên đã từng bước được giải quyết. Tại biên bản ghi nhớ của Đoàn đánh giá tháng 11/2010, Ngân hàng Thế giới đã thống nhất chủ trương gia hạn thời gian thực hiện và cơ cấu tại nguồn vốn đầu tư của Hiệp định Tín dụng và Hiệp định Viện trợ Quỹ Môi trường Toàn cầu của dự án.
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN
1. Hợp phần Trồng rừng sản xuất
Do những vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện, nếu dự án kết thúc đúng theo thời hạn trong các Hiệp định đã ký (31/3/2011) thì hầu hết các hoạt động của dự án sẽ vẫn trong giai đoạn thực hiện dở dang:
- Các hộ dân trồng rừng trong năm đầu tiên vẫn chưa kết thúc chu kỳ kinh doanh, vì vậy khó có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế từ đầu tư trồng rừng sản xuất theo dự án và sẽ ảnh hưởng đến việc nhân rộng, và phổ biến kinh nghiệm cho các hộ dân và các địa bàn khác trong tương lai.
- Nhiều hoạt động dự kiến bổ sung nhằm hoàn thiện quy trình thực hiện dự án sẽ không thực hiện được ví dụ nhưng việc xây dựng, nâng cấp hệ thống đường lâm sinh, hệ thống phòng, chống cháy … Đây là những hạng mục không thể thiếu trong đầu tư về lĩnh vực lâm nghiệp và những hạng mục này đã không được đưa vào dự án theo thiết kế ban đầu.
- Các nghiên cứu nhằm xây dựng các đề xuất liên quan đến các vấn đề về thể chế, chính sách sẽ không được hoàn thành. Những nghiên cứu về chính sách trồng rừng tiểu điền và quản lý đất đai hiện vẫn đang trong giai đoạn đánh giá để đưa ra những đề xuất mang tính khả thi cho thực hiện sau này.
- Các mô hình trình diễn kỹ thuật lâm sinh mới được xây dựng sẽ không kịp giới thiệu tới các hộ dân tham gia dự án để các hộ dân thấy rõ hơn nữa hiệu quả khi tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật của dự án. Không có được những nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của việc nâng cấp các vườn ươm, nâng cao chất lượng nguồn cây giống trong vùng dự án.
- Không đánh giá được hết hiệu quả của các hoạt động phát triển dân tộc thiểu số do rất nhiều hoạt động sẽ dừng lại khi kết thúc dự án.
- Dự án sẽ không phát triển được hoạt động của các nhóm nông dân trồng rừng, không kịp xây dựng được hệ thống tổ chức và các mối liên kết trong quá trình kinh doanh các sản phẩm từ rừng trồng, và dự án sẽ không kịp hỗ trợ các hộ dân trong việc thí điểm cấp chứng chỉ rừng trồng, đây sẽ là một sự thiệt thòi rất lớn cho các hộ dân tham gia dự án.
2. Hợp phần Rừng đặc dụng
- Do lỗi thiết kế dự án ban đầu và mặc dù đã được điều chỉnh (đầu năm 2009) nhưng dự án vẫn không thể giải ngân hết tiền tài trợ. Dự án được thiết kế với 50 khu rừng đặc dụng ưu tiên đầu tư với mức tài trợ là 50.000 USD/1 dự án nhỏ thực hiện trong 2 năm. Như vậy tối đa số tiền giải ngân cho các dự án nhỏ cũng chỉ đạt 3-4 triệu USD, trong khi ngân sách tài trợ cho các dự án nhỏ là 7 triệu USD từ GEF và 1,96 triệu Euro từ EU. Ngoài ra, dự án đã mất 2 năm đầu để hài hòa thủ tục thực hiện dự án giữa Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ.
- Việc gia hạn dự án sẽ giúp thí điểm, hoàn thiện về thể chế chính sách đầu tư hệ thống rừng đặc dụng, cơ chế chia sẻ trách nhiệm và lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng, đạt được toàn diện các mục tiêu dự án và cho phép thể chế hóa các quy trình và tài liệu của dự án. Số lượng các khu rừng đặc dụng hợp lệ được tài trợ đã tăng so với thiết kế ban đầu của dự án trong năm 2004 là 50 khu lên 74 khu trong năm 2009. Gia hạn tài trợ nguồn vốn viện trợ của GEF sẽ tạo điều kiện chắc chắn cho chiều khu tham gia và nhận tài trợ của VCF và đảm bảo mục tiêu xây dựng năng lực và bảo tồn trên phạm vi toàn quốc.
- Dự án có thời gian để hướng dẫn xây dựng và thẩm định kết quả điểm số theo “Công cụ Theo dõi Hiệu quả Quản lý (METT)”. Thực hiện thêm một số hoạt động đánh giá tác động của các tài trợ nhỏ nhằm đóng góp cho quy trình thiết kế Quỹ Tín thác “VCF2” trong tương lai và các đề xuất tài trợ mới. Đào tạo thêm về các nội dung quan trọng như “Đánh giá Nhu cầu Bảo tồn (CAN)”, Báo cáo Sàng lọc Xã hội (SSR) và “Công cụ Theo dõi Hiệu quả Quản lý (METT)”.
- Quỹ Bảo tồn Việt Nam đang xây dựng một cơ chế bền vững sáng tạo nhằm cung cấp tài trợ cho các hoạt động bảo tồn của rừng đặc dụng và dự kiến Quỹ Tín thác này sẽ là một phần trong cơ chế tài trợ sáng tạo đó và có đóng góp to lớn cho cơ chế này. Việc gia hạn dự án sẽ giúp triển khai thực hiện Quỹ tín thác “VCF2” và hỗ trợ thực hiện các sáng kiến tài chính bền vững.
Việc điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện dự án là cần thiết, nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng trên toàn quốc. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng và nguồn viện trợ không hoàn lại không giải ngân hết sẽ phải hoàn trả lại nhà tài trợ. Trong khi đó, hiện vẫn còn rất nhiều các hộ dân trong vùng dự án và một số tỉnh miền Trung khác có nhu cầu vay vốn để đầu tư trồng rừng. Việc dự án tiếp tục triển khai thực hiện sẽ mang lại những cơ hội hết sức thuận lợi cho các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật trong đầu tư trồng rừng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các tỉnh miền Trung.
II. CƠ SỞ ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN
1. Về quỹ đất cho hợp phần Trồng rừng sản xuất
- Hiện nay, Ủy ban nhân dân 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã rà soát và có văn bản cam kết quỹ đất tham gia trồng rừng dự án giai đoạn 2011-2012 là 15.000ha. Những diện tích này liên tục được rà soát, cập nhật hàng năm và qua thực tế triển khai cho thấy mỗi năm dự án sẽ trồng rừng được trung bình khoảng 7000 đến 8000ha/năm.
- Với hai tỉnh dự kiến mở rộng là Thanh Hóa và Nghệ An, kết quả khảo sát ban đầu cho thấy có khoảng 21.100ha đất có tiềm năng đáp ứng các tiêu chí để đưa vào tham gia dự án cho giai đoạn 2012-2015.
2. Chủ trương của nhà tài trợ WB
- Gần đây, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ khác đã có những đánh giá tốt về chất lượng triển khai thực hiện các hoạt động của dự án, tình hình giải ngân của dự án được cải thiện đáng kể trong 2 năm vừa qua. Tháng 7/2010, Ngân hàng Thế giới đã có thư thông báo chủ trương chuẩn bị bổ sung vốn đầu tư cho hợp phần Trồng rừng sản xuất, điều này tạo cơ hội để dự án được mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện qua năm 2012. Trước mắt, WB thống nhất gia hạn dự án thêm 1 năm đến 31/3/2012. Việc này cũng giúp dự án có đủ thời gian cho việc thực hiện các đánh giá tại các tỉnh mới dự kiến bổ sung vào dự án (thư tháng 7/2010 của WB kèm theo).
- Việc gia hạn thời gian thực hiện cho cả hợp phần Rừng đặc dụng cũng đã được WB thống nhất chủ trương tại Biên bản ghi nhớ của đoàn đánh giá tháng 11/2010 (mục VII: Tái cơ cấu và gia hạn dự án).
3. Chủ trương của các Bộ ngành có liên quan
- Tại công văn số 6569/BKH-KTĐN, ngày 16 tháng 9 năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo danh mục bổ sung vốn đầu tư dự kiến 40 triệu USD cho lĩnh vực trồng rừng trong chương trình vay vốn Ngân hàng Thế giới năm 2011.
- Tại các buổi làm việc với Đoàn đánh giá của WB vào tháng 12/2010, đại diện của Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT đều ủng hộ việc kéo dài, bổ sung vốn và điều chỉnh dự án nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng như nguồn viện trợ không hoàn lại cho đầu tư phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Với sự cần thiết như đã trình bày ở trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm các thủ tục cần thiết cho phép gia hạn và điều chỉnh dự án với các nội dung chính như sau:
1. Gia hạn ngày đóng tài khoản của Hiệp định Tín dụng 3953-VN và Hiệp định Viện trợ Quỹ Môi trường Toàn cầu 53397-VN
- Gia hạn ngày đóng tài khoản của Hiệp định Tín dụng Phát triển số 3953-VN đến 31/3/2012.
- Gia hạn ngày đóng tài khoản của Hiệp định Viện trợ Tín thác Quỹ Môi trường Toàn cầu 53397-VN đến 31/3/2013.
2. Phân bổ lại nguồn vốn đầu tư giữa các hạng mục giải ngân và bổ sung thêm hạng mục giải ngân cho dịch vụ tư vấn cho Hiệp định Tín dụng 3953-VN và Hiệp định Viện trợ 53397-VN
2.1. Hiệp định Tín dụng số 3953-VN
- Hiệp định Tín dụng này đã được sửa đổi lần thứ nhất vào tháng 2/2010, trong đó phân bố lại số tiền giữa hạng mục 2b và hạng mục 5, đồng thời tăng tỷ lệ chi tiêu được tài trợ từ nguồn vốn tín dụng lên 100% cho tất cả các hạng mục (xem Hiệp định Tín dụng và Thư sửa đổi lần thứ nhất của WB kèm theo).
- Với đề xuất sửa đổi lần này, nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục tại phụ lục 1 của Hiệp định Tín dụng được đề xuất phân bổ lại như cột 3 của bảng dưới đây:
STT | Hạng mục | Vốn phân bổ theo Hiệp định đã sửa đổi lần 1 (SDR) | Đề xuất cơ cấu lại (SDR) | Tỷ lệ % chi tiêu được tài trợ |
| 1 | 2 | 3 | 4 |
1 | Các khoản cho vay phụ theo phần B5 của dự án | 22.600.000 | 17.050.000 | 100% |
2 | Hàng hóa |
|
|
|
A | Các phần A, B (trừ phần B5) và D của dự án | 525.000 | 1.670.000 | 100% |
B | Phần B5 (xe ngân hàng lưu động) | 196.861,73 | 410.000 | 100% |
3 | Các công trình xây lắp theo các phần A, B (trừ phần B5) và D của dự án | 50.000 | 1.000.000 | 100% |
4 | Đào tạo và hội thảo theo các phần A, B và D của Dự án | 1.590.000 | 2.480.000 | 100% |
5 | Các hoạt động hiện trường theo phần B của Dự án | 1.378.138,27 | 1.640.000 | 100% |
6 | Chi phí hoạt động gia tăng theo các phần A, B và D của Dự án | 960.000 | 2.330.000 | 100% |
7 | Các dịch vụ tư vấn theo các phần A, B và D của Dự án | - | 720.000 | 100% |
| Tổng | 27.300.000 | 27.300.000 |
|
- Chi phí cho các dịch vụ tư vấn của các phần A, B và D của dự án trước đây được tài trợ từ Hiệp định Viện trợ Quỹ Tín thác FSSP-TFF thứ nhất số 54523-VN. Hiệp định Viện trợ này đã đóng tài khoản vào ngày 31/12/2010, do đó khi Hiệp định Tín dụng 3953-VN được gia hạn thì Ngân hàng Thế giới đề xuất sẽ sử dụng nguồn vốn tín dụng để chi trả cho các dịch vụ tư vấn.
- Chi tiết giải trình và kế hoạch sử dụng vốn cho giai đoạn gia hạn được trình bày trong “Báo cáo đánh giá, đề xuất điều chỉnh dự án” của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (mục 4: Nội dung đề xuất điều chỉnh dự án).
2.2. Hiệp định Viện trợ Tín thác Quỹ Môi trường Toàn cầu số 53397-VN
- Nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục theo phụ lục 1 của Hiệp định Viện trợ được đề xuất phân bổ lại như cột 3 của bảng dưới đây:
STT | Hạng mục | Vốn phân bổ theo Hiệp định gốc (USD) | Đề xuất cơ cấu lại (USD) | Tỷ lệ % chi tiêu được tài trợ |
| 1 | 2 | 3 | 4 |
1 | Các khoản tài trợ nhỏ theo phần C.1 của dự án | 7.600.000 | 6.500.000 | 100% |
2 | Hàng hóa, bao gồm cả xe cộ, theo phần C của dự án | 70.000 | 100.000 | 90% |
3 | Xây lắp theo phần C của dự án | 20.000 | 30.000 | 90% |
4 | Đào tạo, hội thảo và thăm quan học tập nước ngoài theo phần C của dự án | 520.000 | 850.000 | 100% |
5 | Chi phí các hoạt động gia tăng theo phần C của dự án | 790.000 | 600.000 | 90% |
6 | Dịch vụ tư vấn |
| 920.000 | 100% |
| Tổng | 9.000.000 | 9.000.000 |
|
- Hiệp định đề xuất sửa đổi phân bố lại số tiền giữa các hạng mục, bổ sung thêm hạng mục “Dịch vụ tư vấn”, đồng thời tăng tỷ lệ chi tiêu được tài trợ từ nguồn vốn viện trợ lên 90% cho hạng mục “Chi phí các hoạt động gia tăng” (hiện nay đang là 70%).
- Chi phí cho các dịch vụ tư vấn của các phần C của dự án trước đây được tài trợ từ Hiệp định Viện trợ Quỹ Tín thác FSSP-TFF thứ hai số 054524-VN. Hiệp định Viện trợ này đóng tài khoản vào ngày 31/12/2010 do đó khi Hiệp định Viện trợ Tín thác Quỹ Môi trường Toàn cầu số 053397-VN được gia hạn thì Ngân hàng Thế giới đề xuất sẽ sử dụng nguồn vốn viện trợ từ Hiệp định số 053397-VN để chi trả cho các dịch vụ tư vấn.
- Chi tiết giải trình và kế hoạch sử dụng vốn cho giai đoạn gia hạn được trình bày trong “Báo cáo đánh giá, đề xuất điều chỉnh dự án” của Cục Kiểm lâm (mục 3: Nội dung đề xuất điều chỉnh dự án).
3. Điều chỉnh nội dung Hiệp định và tài liệu thẩm định dự án
3.1. Phụ lục 2 của Hiệp định Tín dụng 3953-VN và Hiệp định Viện trợ 53397-VN về mô tả dự án
3.1.1. Điều chỉnh mục tiêu phát triển của dự án trong các Hiệp định và tài liệu thẩm định cho thống nhất
Mục tiêu phát triển của dự án được ghi trong văn kiện tài liệu thẩm định dự án là:
“Mục tiêu phát triển dự án là nhằm quản lý bền vững các khu rừng trồng và bảo tồn đa dạng sinh học của rừng đặc dụng”.
Trong khi đó các Hiệp định của dự án lại ghi là:
“Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ Bên vay nâng cao khả năng đóng góp của Ngành Lâm nghiệp nhằm: (i) giảm nghèo vùng nông thôn và (ii) bảo vệ môi trường toàn cầu, thông qua việc quản lý bền vững rừng trồng và bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng”.
Do đó phần mô tả dự án trong phụ lục 2 của cả hai Hiệp định cần được sửa lại cho thống nhất như sau:
Thay đoạn:
“The objectives of the Project are to assist the Borrower to enhance the contribution of forestry to: (i) rural poverty reduction and (ii) global environmental protection, through the sustainable management of plantation forests and the conservation of biodiversity in special use forests”.
bằng:
“The Project Development Objective is to achieve sustainable management of plantation forests and the conservation of biodiversity in special use forest” (xem thư tháng 7/2009 của Ngân hàng Thế giới kèm theo).
3.1.2. Điều chỉnh các nội dung khác trong phụ lục 2
Trong giai đoạn gia hạn này, dự án có đề xuất triển khai thực hiện một số hạng mục đầu tư còn thiếu khi thiết kế dự án như nâng cấp hệ thống đường lâm sinh, đường băng cản lửa, nâng cấp vườn ươm, và các công trình nhỏ khác phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng như chòi canh lửa, bảng cảnh báo cháy rừng … Ngoài ra dự án cũng đề xuất tổ chức các chuyến tham quan học tập ngoài nước cho cán bộ dự án các cấp, do đó phụ lục 2 của cả hai Hiệp định đều được điều chỉnh như sau:
Phần B - Trồng rừng sản xuất, đoạn đầu tiên:
“Phát triển rừng trồng sản xuất của các hộ gia đình tại các tỉnh Dự án, kể cả việc cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo và hội thảo, bao gồm:”
được sửa lại là:
“Phát triển rừng trồng sản xuất của các hộ gia đình tại các tỉnh Dự án, kể cả việc cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo và hội thảo, tham quan học tập ở nước ngoài, nâng cấp hệ thống đường lâm sinh, đường băng cản lửa, nâng cấp vườn ươm và các công trình xây dựng khác, bao gồm:”
Phần C - Rừng đặc dụng, đoạn đầu tiên:
“Thực hiện một chương trình thử nghiệm để hỗ trợ bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học trong các khu rừng đặc dụng, kể cả việc cung cấp dịch vụ tư vấn liên quan, bao gồm:
được sửa lại là:
“Thực hiện một chương trình thử nghiệm để hỗ trợ bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học trong các khu rừng đặc dụng, kể cả việc cung cấp dịch vụ tư vấn liên quan, đào tạo, hội thảo, tham quan học tập ở nước ngoài, bao gồm:”
3.2. Phụ lục 3 của Hiệp định Tín dụng 3953-VN và Hiệp định Viện trợ 53397-VN về đấu thầu mua sắm
Như đã trình bày ở trên, do việc bổ sung thêm hạng mục giải ngân cho dịch vụ tư vấn trong phụ lục 1 của Hiệp định Tín dụng 3953-VN cũng như Hiệp định Viện trợ 53397-VN nên phụ lục 3 của cả hai Hiệp định này cũng cần bổ sung thêm quy định về mua sắm đấu thầu đối với các dịch vụ tư vấn như sau:
3.2.1. Hiệp định Tín dụng số 3953-VN
Bổ sung nội dung như phụ lục 3 của Hiệp định Viện trợ Quỹ Tín thác FSSP-TFF thứ nhất số 54523-VN tài trợ cho các dịch vụ tư vấn của dự án (xem Hiệp định số 54523-VN kèm theo).
3.2.2. Hiệp định Viện trợ số 53397-VN
- Bổ sung nội dung như phụ lục 3 của Hiệp định Viện trợ Quỹ Tín thác FSSP-TFF thứ hai số 54524-VN tài trợ cho các dịch vụ tư vấn của dự án (xem Hiệp định số 54524-VN kèm theo).
- Bổ sung vào phần C (Các hình thức đấu thầu/mua sắm khác - phụ lục 3) các nội dung về phương pháp lựa chọn một nguồn duy nhất (Single source selection) áp dụng cho các tư vấn đã kết thúc hợp đồng với VCF mà nay dự án có nhu cầu tiếp tục kéo dài (ký hợp đồng mới) với các tư vấn cũ (xem biên bản ghi nhớ của WB tháng 11/2010, mục V, đoạn 35).
4. Thay thế khung logic ban đầu bằng khung kết quả mới
Thay thế khung logic cũ bằng khung kết quả mới với các chỉ số kết quả trung hạn sẽ đánh giá được tác động của dự án ở mức độ tổng quát hơn. Việc điều chỉnh này giúp đơn giản hóa khung logic của hoạt động giám sát và đánh giá chứ không làm thay đổi thiết kế dự án.
Tháng 7-2009, Ngân hàng Thế giới đã có thư gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thay thế khung logic bằng khung kết quả mới (tài liệu kèm theo).
Nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng như nguồn viện trợ không hoàn lại cho đầu tư phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết các thủ tục cần thiết để gia hạn, điều chỉnh và bổ sung nội dung cho dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
TÀI LIỆU KÈM THEO
1. Báo cáo đánh giá, đề xuất điều chỉnh dự án của Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp;
2. Báo cáo đánh giá, đề xuất điều chỉnh dự án của Cục Kiểm lâm;
3. Thư quản lý của WB tháng 7/2010;
4. Thư quản lý và Biên bản ghi nhớ của đoàn đánh giá của WB tháng 11/2010;
5. Hiệp định Tín dụng số 3953-VN và Thư sửa đổi lần thứ nhất;
6. Hiệp định Viện trợ số 53397-VN;
7. Hiệp định Viện trợ Quỹ Tín thác FSSP-TFF thứ nhất số 54523-VN (để tham chiếu nội dung của phụ lục 3 quy định về mua sắm đấu thầu cho dịch vụ tư vấn);
8. Hiệp định Viện trợ Quỹ Tín thác FSSP-TFF thứ hai số 54524-VN (để tham chiếu nội dung của phụ lục 3 quy định về mua sắm đấu thầu cho dịch vụ tư vấn);
9. Thư đề xuất thống nhất lại mục tiêu phát triển và thay thế khung logic bằng khung kết quả mới của WB tháng 7/2009;
10. Văn bản thống nhất ý kiến điều chỉnh dự án của Ngân hàng Chính sách Xã hội;
11. Văn bản cam kết quỹ đất của các tỉnh dự án;
12. Công văn số 6569/BKH-KTĐN ngày 16/9/2010 thông báo danh mục bổ sung vốn đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.