ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7336/SLĐTBXH-LĐ | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 12 năm 2008 |
Kính gửi: | - Sở, Ban, Ngành; |
Thực hiện công văn số 4329/LĐTBXH-LĐTL ngày 20/11/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện các Nghị định của Chính Phủ về tiền lương tối thiểu, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp như sau:
1) Về mức lương tối thiểu vùng:
- Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp thực hiện từ ngày 01/01//2009 theo các vùng như sau:
+ Mức 800.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh (vùng I);
+ Mức 740.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh (vùng II);
+ Mức 690.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III
+ Mức 650.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV
Danh mục các địa bàn vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV tại phụ lục kèm theo Nghị định số 110/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở Công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt nam có thuê mướn lao động;
2) Một số nội dung lưu ý khi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng:
- Các công ty đóng trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó. Đối với công ty có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn vùng nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó;
- Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Đối với các doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động làm công việc giản đơn nhất không phải qua học nghề trong điều kiện lao động bình thường và người lao động đã qua học nghề thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì phải điều chỉnh lại cho bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định;
- Đối với các doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn có sự dịch chuyển vùng quy định tại Nghị định số 110/2008/NĐ-CP so với quy định trước đây thì phải thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng mới quy định của Chính phủ;
- Khi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương trả khi làm thêm giờ; tiền lương làm việc vào ban đêm; tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật lao động.
- Khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng, đối với các mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc trong thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng theo quy định tại Điều 57 Bộ Luật Lao động, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ thì mức điều chỉnh cụ thể do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận căn cứ vào mặt bằng tiền công trên thị trường, giá cả sinh hoạt và phải đảm bảo quan hệ hợp lý giữa người mới được tuyển dụng và người có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.
- Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định được dùng làm cơ sở tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương; mức lương ghi trong hợp đồng lao động; xác định đơn giá trả lương; tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc, nghỉ ngày lễ, nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động trong các doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ, Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003, Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các công ty tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu chung quy định tại Điều 1 Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ làm cơ sở để thực hiện các chế độ dưới đây đối với người lao động cho đến khi Chính phủ có quy định mới như sau:
+ Tính mức lương, phụ cấp lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP làm căn cứ tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động trong công ty Nhà nước, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty Nhà nước đang vận dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định đối với công ty Nhà nước.
+ Tính trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước từ ngày 01/01/2009 trở đi và trợ cấp đi tìm việc làm đối với người lao động dôi dư thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 4, Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty Nhà nước; Tính trợ cấp thêm đối với người lao động dôi dư thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP , từ ngày 01/01/2009 trở đi.
3) Một số công việc doanh nghiệp phải thực hiện khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng:
- Các doanh nghiệp tính toán, cân đối, lập phương án triển khai thực hiện mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp phải trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động thống nhất phương án điều chỉnh tiền lương, công bố công khai để người lao động biết và báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trước ngày 20/12/2008
- Doanh nghiệp phải có trách nhiệm rà soát hệ thống thang lương, bảng lương đang áp dụng cho phù hợp quy định hiện hành. Trường hợp, chưa phù hợp quy định thì doanh nghiệp phải điều chỉnh theo đúng quy định và phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động để có thông báo xác nhận mới;
- Trường hợp hệ thống thang lương, bảng lương đã đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về lao động đã áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu quy định và những nội dung khác phù hợp với các văn bản quy định hiện hành thì công ty không phải tiến hành đăng ký lại hệ thống thang lương, bảng lương.
- Doanh nghiệp xác định và đăng ký mức lương tối thiểu kèm theo hệ thống thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Mức lương tối thiểu dùng làm căn cứ tính mức lương ghi trong hợp đồng lao động; phụ cấp lương; đơn giá trả lương; tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của Pháp Luật Lao động.
Do đó, hồ sơ đăng ký thang lương, bảng lương phải thể hiện các mức lương tối thiểu khác nhau tương ứng với địa bàn mà các đơn vị, chi nhánh trú đóng.
- Mức lương tối thiểu của doanh nghiệp áp dụng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định Nghị định số 110/2008/NĐ-CP ;
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Sở, Ban, Ngành, Tổng Công ty, Ủy ban nhân dân Quận, Huyện, các công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp triển khai thực hiện mức lương tối thiểu vùng kể từ ngày 01/01/2009 theo quy định./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.