BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 130/TCHQ-PC | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2014 |
Kính gửi: | Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Hà Nội, Lào Cai, Bình Dương, ĐắkLắk, Đồng Nai, Bắc Ninh, Long An, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh. |
Ngày 03/10/2013, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5818/TCHQ-PC gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai công tác đối thoại với doanh nghiệp năm 2013. Qua thực hiện, có 12 Cục Hải quan địa phương báo cáo có 25 nội dung vướng mắc của doanh nghiệp vượt thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
Tổng cục đã tổng hợp, giải đáp các vướng mắc (Phụ lục đính kèm) gửi các đơn vị để hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện.
Quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các đơn vị báo cáo Tổng cục (qua đơn vị nghiệp vụ liên quan đến nội dung vướng mắc) để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
NỘI DUNG GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Công văn số 130/TCHQ-PC ngày 07 tháng 01 năm 2014)
Câu 1. (Công ty TNHH Ford Việt Nam, Phường Tứ Minh, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương) - Cục Hải quan Tp. Hải Phòng
Vướng mắc liên quan đến việc chấp nhận tính hợp lệ của C/O mẫu D để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cục Hải quan Tp. Hải Phòng đã có công văn số 6871/HQHP-GSQL ngày 16/8/2013 gửi Cục GSQL - Tổng cục Hải quan.
Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có công văn 17236/BTC-TCHQ ngày 13/12/2013 về việc cấp C/O mẫu D có vận tải đơn không được cấp tại lãnh thổ nước thành viên xuất khẩu. Đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Câu 2. (Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa) - Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa
Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa đăng ký và làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa nhập khẩu mặt hàng vỏ nang nhộng rỗng Gelatin theo tờ khai hải quan điện tử số 163/NK/KD/C27F ngày 26/10/2012, doanh nghiệp nộp 01 C/O Form D số tham chiếu 0033471/JKM/2012 do Indonesia cấp ngày 22/10/2012. Qua đối chiếu chữ ký trên C/O không giống với chữ ký mẫu được cung cấp tại công văn số 250/GSQL-TH ngày 04/7/2011 của Tổng cục Hải quan.
Ngày 16/11/2012 Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa có công văn số 1724/HQTH-NV đề nghị Tổng cục Hải quan xác minh chữ ký C/O mẫu D. Ngày 23/11/2012, Tổng cục Hải quan có công văn số 878/GSQL-TH trả lời sẽ tiến hành xác minh với cơ quan có thẩm quyền cấp C/O mẫu D của Indonesia và thông báo khi có kết quả.
Đến ngày 26/4/2013, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa có công văn số 692/HQTH-NV đề nghị Tổng cục Hải quan xác minh C/O mẫu D. Ngày 09/5/2013, Tổng cục Hải quan có công văn số 363/GSQL-TH trả lời đang tiến hành xác minh tính hợp lệ C/O với cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa nhận được kết quả xác minh.
Ngày 03/9/2013, Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa có công văn số 609-2013/KDXNK-CTD về việc đề nghị trả lời kết quả xác minh C/O Form D tại tờ khai trên trước thời điểm C/O hết hiệu lực.
Trả lời
- Ngày 09/5/2013, Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan đã có công văn số 363/GSQL-TH trả lời Cục Hải quan Thanh Hóa về việc đã tiến hành xác minh C/O số 0033471/JKM/2012 do Indonesia cấp ngày 22/10/2012.
- Ngày 04/6/2013, Tổng cục Hải quan đã có công hàm gửi Indonesia để xác minh.
- Ngày 29/8/2013, có email gửi đầu mối Indonesia để yêu cầu xác minh.
- Ngày 4/9/2013, Indonesia xác nhận nhận được yêu cầu xác minh của Việt Nam.
- Ngày 25/9/2013, Tổng cục Hải quan đã gửi email nhắc Indonesia nhưng đến nay chưa nhận được kết quả.
Đối với trường hợp trên, C/O đã được nộp cho cơ quan Hải quan trong thời gian hiệu lực của C/O, nếu cơ quan cấp C/O có thư thông báo kết quả xác minh trong thời hạn quy định của Hiệp định ATIGA thì C/O vẫn được xem xét chấp nhận, kể cả trường hợp cơ quan Hải quan nhận được thông báo kết quả xác minh khi C/O đã quá hạn một năm kể từ ngày cấp.
Câu 3. (Công ty TNHH Thương mại Phú Nam; số 579 Ngô Gia Tự, Q. Long Biên, TP. Hà Nội) - Cục Hải quan Tp. Hải Phòng
Việc quy định phải kiểm tra thực tế 100% và giám định đối với mặt hàng Thép hợp kim có chứa chất Bo nhập khẩu gây mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp. Đề nghị chỉ kiểm tra thực tế đối với các lô hàng có chênh lệch thuế hoặc có nghi vấn về hàng hóa. Những lô hàng thuộc diện phải kiểm tra thực tế thì mức độ do Chi cục trưởng quyết định.
Trả lời
- Việc Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) quy định phải kiểm tra thực tế 100% và giám định đối với mặt hàng thép hợp kim có chứa chất Bo nhập khẩu nhằm mục đích quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng thép nhập khẩu, tránh tình trạng doanh nghiệp khai báo gian lận để trốn thuế. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của các đơn vị về việc kiểm tra thực tế 100% và giám định đối với mặt hàng thép sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp đồng thời kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã nghiên cứu và đưa ra tiêu chí quản lý rủi ro đối với các lô hàng thép nhập khẩu. Theo đó, đã giảm thiểu việc lấy mẫu và kiểm tra đối với các lô hàng thép nhập khẩu và ưu tiên đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, thuế.
Câu 4. (Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo) - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị
Tại gạch đầu dòng thứ nhất khoản 1 Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính có quy định đối tượng áp dụng: "Mới thành lập trong thời gian 24 tháng, ...không trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, có quy mô kinh doanh bất hợp lý, ... cơ sở vật chất không tương ứng với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu";
Tại điểm 2.1 khoản 2 có quy định: "Kiểm tra thực tế 100% đối với hàng hóa xuất khẩu tại mục 1".
Vậy, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu nếu thuộc tất cả các trường hợp hay chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại gạch đầu dòng thứ nhất khoản 1 Công văn 12485 nêu trên?
Trả lời
Gạch đầu dòng thứ 2 Khoản 2 Công văn số 12485/BTC-TCT hướng dẫn rõ “Kiểm tra thực tế 100% đối với hàng hóa xuất khẩu tại mục 1 văn bản này”. Như vậy, tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động hàng hóa qua biên giới đất liền thuộc một trong các trường hợp nêu tại Khoản 1 của Công văn số 12485/BTC-TCT dẫn trên đều thuộc đối tượng phải kiểm tra thực tế 100%.
Câu 5. (Công ty TNHH kỹ thuật máy bay, địa chỉ: Sân bay quốc tế Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội) - Cục Hải quan Hà Nội
Theo điều 1 Thông tư số 196/2012/TT-BTC, loại hình tạm nhập-tái xuất, tạm xuất tái nhập đi sửa chữa, triển lãm, làm mẫu không thuộc đối tượng khai báo hải quan điện tử. Doanh nghiệp đang làm thủ tục hải quan theo khai báo từ xa, tốn thời gian và nhân lực.
Đề nghị điều chỉnh phạm vi áp dụng Thông tư số 196/2012/TT-BTC, chuyển loại hình này sang khai báo hải quan điện tử.
Trả lời
- Ngày 10/6/2013, Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan đã có công văn số 515/GSQL-GQ3 gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam hướng dẫn thủ tục đối với phụ tùng, vật tư, dụng cụ của tàu bay đưa ra nước ngoài, đưa vào Việt Nam để sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay
- Việc điều chỉnh phạm vi áp dụng Thông tư số 196/2012/TT-BTC thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Vì vậy, đề nghị công ty có văn bản kiến nghị chính thức để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết.
Câu 6. (Cty TNHH tiếp vận Thăng Long, địa chỉ: Lô E-4A KCN Thăng Long Đông Anh Hà Nội) - Cục Hải quan Hà Nội
Theo quy định tại điểm a, khoản 1 công văn số 10645/BTC-TCHQ ngày 13/8/2013: Hàng hóa từ nước ngoài vào kho ngoại quan phải được kiểm tra thực tế.
Đề nghị chỉ áp dụng quy định này với một số loại hàng hóa là thực phẩm đông lạnh xuất qua các tỉnh biên giới phía Bắc và hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; không áp dụng với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư gửi kho ngoại quan phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Trả lời
Quy định tại Điểm a Khoản 1 Công văn số 10645/BTC-TCHQ ngày 13/8/2013 của Bộ Tài chính nhằm tăng cường công tác quản lý đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan; đặc biệt là hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan để xuất đi nước khác. Hàng hóa là vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất đưa vào kho ngoại quan phải qua thủ tục chuyển cửa khẩu từ Chi cục Hải quan cửa khẩu về kho ngoại quan thuộc các Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, vì vậy phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Tuy nhiên, tỷ lệ kiểm tra còn phụ thuộc vào việc chấp hành tốt pháp luật của doanh nghiệp, vào các tiêu chí rủi ro khác đồng thời cơ quan Hải quan sử dụng phương tiện kỹ thuật nên sẽ hạn chế thấp nhất khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 10645/BTC-TCHQ nêu trên.
Câu 7. (Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ và nội thất Ngọc Sơn, địa chỉ Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) - Cục Hải quan Hà Nội
Vướng mắc làm thủ tục thanh khoản hàng tạm nhập để tái chế, do doanh nghiệp đăng ký tờ khai điện tử nhầm loại hình tạm nhập - tái xuất thay vì phải đăng ký loại hình nhập khẩu để tái chế. Khi tiến hành kiểm tra hồ sơ thanh khoản, xét không thu thuế thì các tờ khai của doanh nghiệp không được kiểm tra thực tế hàng hóa (công văn số 3026/HQHN-GSQL ngày 04/10/2013 gửi Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan)
Trả lời
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có công văn 7073/TCHQ-GSQL ngày 22/11/2013. Đề nghị Cục Hải quan Hà Nội căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện.
Câu 8. (Cục Hải quan Lào Cai)
Hiện nay, tại Cục Hải quan tỉnh Lào Cai có Cửa khẩu phụ Bản Vược - Bát Xát hoạt động theo quy định tại Thông tư 13/2009/TT-BCT ngày 03/6/2009 của Bộ Công thương quy định xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, khi nhập khẩu hàng hóa được quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này, Chủ tịch UBND tỉnh có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới ra Quyết định cho phép nhập khẩu trên cơ sở có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Công thương. Quy định này qua hai lần cấp phép gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị có ý kiến sửa đổi để việc cấp phép chỉ được thực hiện một lần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Trả lời
Tổng cục Hải quan nhất trí với ý kiến đề nghị của Cục Hải quan Lào Cai và sẽ xin ý kiến của Bộ Công thương về nội dung kiến nghị, đồng thời cũng lưu ý trong Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc không cấp phép 2 lần cho 1 lô hàng xuất nhập khẩu.
Câu 9. (Cục Hải quan Bình Dương)
Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị của doanh nghiệp. Đã báo cáo TCHQ theo công văn số 3218/HQBD-GSQL ngày 19/9/2013
Trả lời
- Liên quan đến vướng mắc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5268/TCHQ-GSQL ngày 06/9/2013 và công văn số 5363/TCHQ-GSQL ngày 11/9/2013 trao đổi và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm có hướng dẫn thực hiện.
- Ngày 24/9/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn số 3016/BKHCN-ĐTG gửi Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg. Theo đó, tại điểm 3 công văn số 3016/BKHCN-ĐTG có nêu:
"Trong thời gian chờ ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị như sau:
a) Đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khi nhập khẩu phải được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đó trong quá trình phê duyệt dự án đầu tư và ký kết Hợp đồng mua bán theo đúng tinh thần của Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.
b) Đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có xuất xứ và/hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc thì tiếp tục thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành và theo Thông báo số 2527/TB-BKHCN ngày 06/9/2012 về việc tạm ngừng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
c) Đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không thuộc đối tượng ở mục a) và b) nêu trên:
- Trường hợp các lô hàng có Hợp đồng mua bán được ký kết trước ngày 09/8/2013 và máy móc thiết bị mua từ các khu chế xuất hoặc thiết bị gia công được bán/tặng thì việc nhập khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Trường hợp các lô hàng có Hợp đồng mua bán ký kết sau ngày 09/8/2013, việc nhập khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời doanh nghiệp có văn bản cam kết máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đảm bảo các yêu cầu về an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Trường hợp cần thiết, cơ quan Hải quan có thể tổ chức kiểm tra, yêu cầu giám định khi có nghi ngờ có vi phạm."
Như vậy, hướng dẫn số 3016/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu trên đã giải quyết được các vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương tại công văn số 3218/HQBD-GSQL ngày 19/9/2013
Câu 10. (Cục Hải quan Bình Dương)
Thực hiện dán nhãn năng lượng. Báo cáo Tổng cục Hải quan theo công văn số 3213/HQBD-GSQL ngày 18/9/2013.
Trả lời
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có công văn 6772/TCHQ-GSQL ngày 13/11/2013. Đề nghị Cục Hải quan Bình Dương căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện.
Câu 11. (Cục Hải quan Đắk Lắk)
Việc khai báo giá chính thức đối với các mặt hàng xuất khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai do hợp đồng mua bán hàng hóa thỏa thuận thời điểm chốt giá sau khi hàng hóa đã xuất khẩu được quy định tại Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên do một số yếu tố khách quan như có thời điểm ngày nghỉ lễ, tết kéo dài; chưa có các chứng từ như vận tải đơn, hóa đơn thương mại để chứng minh việc chốt giá chính thức theo quy định nên thời gian khai báo giá chính thức quá 10 ngày kể từ ngày chốt giá. Vì vậy, một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn quy định thời gian chốt giá là 10 ngày làm việc hoặc được nợ chứng từ chứng minh việc chốt giá.
Đồng thời, để tờ khai hải quan điện tử đã thông quan có giá tạm tính phù hợp với các chứng từ phát sinh sau khi có giá chính thức, làm cơ sở để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thanh khoản hoàn thuế tại cơ quan thuế nội địa, doanh nghiệp phải thực hiện việc khai báo bổ sung nội dung điều chỉnh đơn giá và trị giá hàng hóa của tờ khai sau thông quan theo quy định tại Thông tư số 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Việc khai báo điều chỉnh cho cùng một nội dung trên tờ khai hải quan điện tử, doanh nghiệp phải thực hiện 2 lần với 2 hình thức là khai giấy theo Thông tư 205/2010/TT-BTC và khai điện tử theo Thông tư số 196/2012/TT-BTC làm tốn nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị việc khai báo giá chính thức đối với các mặt hàng xuất khẩu theo hợp đồng kỳ hạn được thực hiện theo thủ tục sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan (bỏ việc thực hiện khai hồ sơ giấy theo mẫu số 05 của Thông tư 205/2010/TT-BTC).
Trả lời
- Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 thì: Đối với hàng hóa xuất khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan do hợp đồng mua bán hàng hóa thỏa thuận thời điểm chốt giá sau khi hàng hóa đã xuất khẩu, thì người khai hải quan khai báo giá tạm tính và thực hiện nộp thuế theo giá tạm tính tại thời điểm đăng ký tờ khai.
Khi doanh nghiệp chốt mức giá chính thức thì phải kê khai với cơ quan Hải quan chậm nhất 10 ngày kể từ thời điểm chốt giá. Trên cơ sở mức giá khai báo chính thức do doanh nghiệp khai báo, cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra, xác định số thuế doanh nghiệp phải nộp theo đúng quy định.
- Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 quy định về thủ tục sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan: Khi sửa chữa, khai bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều này, người khai hải quan tạo thông tin sửa chữa, bổ sung trên Tờ khai hải quan điện tử, nêu rõ lý do sửa chữa, bổ sung; gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan.
Như vậy, đối với tờ khai hải quan điện tử thì việc khai báo điều chỉnh thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính và không phải thực hiện khai giấy theo Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính.
Câu 12. (Công ty TNHH Nicca Việt Nam - Cục Hải quan Đồng Nai)
Công ty vướng mắc về hồ sơ hoàn thuế cho những nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu vào khu chế xuất. Theo quy định thì hồ sơ hoàn thuế phải nộp "Bảng định mức nguyên phụ liệu của doanh nghiệp chế xuất". Tuy nhiên, phía khách hàng từ chối vì không muốn bị lộ công thức sản phẩm nên không cung cấp bảng định mức nguyên phụ liệu. Do vậy, Công ty không có đủ hồ sơ để được hoàn thuế. Công ty đề nghị hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp được giải quyết hoàn thuế trong trường hợp nêu trên?
Trả lời
Theo quy định tại điểm c.10 khoản 5 Điều 113; Điều 118 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2013 (nay là điểm c.10 khoản 5 Điều 112, Điều 117 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013) thì hồ sơ hoàn thuế cho nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu vào khu chế xuất không phải nộp bảng định mức nguyên phụ liệu của doanh nghiệp chế xuất.
Câu 13. (Công ty Thực phẩm Amanda VN - Cục Hải quan Đồng Nai)
Công ty hoạt động năm 2003 trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản, là Công ty hoạt động trong lĩnh vực thuộc diện ưu đãi đầu tư. Nay Công ty muốn nhập khẩu một số máy móc, thiết bị theo loại hình nhập đầu tư tạo tài sản cố định để tăng công suất sản xuất của nhà máy (nâng cao năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ). Để được miễn thuế đối với máy móc nhập khẩu đầu tư tạo tài sản cố định, theo hướng dẫn Công ty phải xin giấy phép bổ sung và đăng ký danh mục miễn thuế. Thủ tục và các mẫu biểu báo cáo rất phức tạp. Công ty hoạt động thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư có được xem xét giảm thủ tục hồ sơ để được nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định miễn thuế không?
Trả lời
- Việc ban hành giấy phép bổ sung đối với máy móc nhập khẩu tạo tài sản cố định thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan cấp giấy phép. Đề nghị Công ty kiến nghị về việc giảm thủ tục hồ sơ này đến cơ quan có thẩm quyền.
- Theo quy định tại khoản 9 Điều 101 Thông tư số 194/2010/TT-BTC (nay là khoản 9 Điều 100 Thông tư số 128/2013/TT-BTC) thì hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi về thuế nhập khẩu được áp dụng cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế đổi mới công nghệ.
Để được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư đối với phần mở rộng theo quy định tại Điều 101 Thông tư số 194/2010/TT-BTC (nay là Điều 100 Thông tư số 128/2013/TT-BTC), thì Công ty phải thực hiện đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế theo quy định tại Điều 102 và hồ sơ thủ tục tại điều 103 Thông tư số 194/2010/TT-BTC (nay là Điều 101, 102 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013) của Bộ Tài chính.
Câu 14. (Cục Hải quan Bắc Ninh)
Doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời hạn thanh khoản đối với tờ khai sản xuất xuất khẩu theo Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính từ 45 ngày tăng lên thành 60 ngày hoặc 90 ngày sau khi mở tờ khai hoặc bỏ quy định này.
Trả lời
Để tháo gỡ vướng mắc về thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế tại Điều 127 Thông tư số 128/2013/TT-BTC đã sửa đổi quy định về thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, theo đó:
+ Đối với trường hợp đã nộp đủ các loại thuế: Người nộp thuế tự quyết định thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế.
+ Đối với trường hợp chưa nộp đủ các loại thuế (áp dụng đối với cả trường hợp có mức thuế suất thuế nhập khẩu, xuất khẩu 0%): Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu cuối cùng/ tờ khai nhập khẩu hàng hóa cuối cùng.
Câu 15. (Cục Hải quan Bắc Ninh)
Doanh nghiệp kiến nghị được tiếp tục ân hạn thời gian nộp thuế là 30 ngày như trước đây để tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Kiến nghị Tổng cục Hải quan có ý kiến với Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết tình trạng bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp với nhau, cụ thể: Cũng là doanh nghiệp cùng nằm trong một khu công nghiệp, đều cùng sản xuất hàng xuất khẩu nhưng nếu là doanh nghiệp chế xuất thì không phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với nguyên liệu, hàng hóa xuất nhập khẩu. Còn nếu là doanh nghiệp thường (không phải chế xuất) thì phải thực hiện nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng gây ra sự không công bằng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Trả lời
- Về nội dung kiến nghị được ân hạn thời gian nộp thuế là 30 ngày như trước đây: Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế đã quy định rõ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp thuế ngay hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, trừ hàng hóa là nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đáp ứng một số điều kiện nhất định thì thời hạn nộp thuế là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
- Theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP thì quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, khoản 3 Điều 2 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010, Điều 2 Thông tư số 128/2013/TT-BTC thì: Hàng hóa từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác thuộc đối tượng không chịu thuế.
Do đó, nếu trường hợp doanh nghiệp là doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu hàng hóa sản xuất cho doanh nghiệp chế xuất thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định. Trường hợp là doanh nghiệp thường thì nộp đủ các loại thuế theo đúng quy định khi nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất của doanh nghiệp.
Câu 16. (Cục Hải quan Đắk Lắk)
Tại khoản 11, điều 1, Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung về thời hạn nộp thuế, trong đó đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được quy định: "Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá mười lăm ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh"; đồng thời tại khoản 2, mục I của công văn số 8356/BTC-TCHQ ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính về thời hạn nộp thuế: "Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất bao gồm cả trường hợp gửi kho ngoại quan để tạm nhập tái xuất phải nộp các loại thuế liên quan (như hàng hóa nhập khẩu kinh doanh) vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan mở tại kho bạc; khi tái xuất sẽ được hoàn trả". Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng gỗ nguyên liệu theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất phải nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT như loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 20, điều 5, Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và khoản 20, điều 4, Thông tư 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định: "... hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng".
Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan thì sau khi tái xuất cơ quan nào sẽ hoàn thuế GTGT đã nộp, thủ tục, hồ sơ hoàn thuế như thế nào?
Trả lời
Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT năm 2008 quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT thì: “Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 131 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý số tiền thuế nộp thừa, tiền phạt sau khi ban hành quyết định hoàn tiền thuế, tiền phạt nộp thừa do có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp, thì:
"… Trường hợp người nộp thuế nộp nhầm, nộp thừa thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu cho cơ quan Hải quan trong kỳ kế toán (bao gồm trong tháng, quý, năm ngân sách) mà người nộp thuế hoặc cơ quan Hải quan phát hiện thì thực hiện điều chỉnh theo mẫu C1-07 ban hành kèm theo Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua kho bạc Nhà nước, đồng thời người nộp thuế nộp bản chính giấy nộp tiền, cơ quan Hải quan xác nhận, ký tên, đóng dấu đơn vị lên mặt trước bản chính của giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước số tiền thuế giá trị gia tăng đã điều chỉnh sang khoản thuế khác chuyển kho bạc Nhà nước điều chỉnh. Các trường hợp thuế giá trị gia tăng nộp nhầm, nộp thừa khác cơ quan Hải quan xác nhận số tiền thuế nộp nhầm, nộp thừa để cơ quan thuế thực hiện hoàn trả người nộp thuế theo quy định".
Đề nghị Cục Hải quan Đắk Lắk căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên để xử lý về thuế GTGT của hàng TNTX đã nộp.
Câu 17. (Công ty cổ phần thực phẩm An Long, cụm Công nghiệp Long Định, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An - Cục Hải quan Long An)
1. Thời hạn ân hạn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất tiêu thụ nội địa là 30 ngày đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật như trước đây hoặc trường hợp có bảo lãnh thì không bị chậm nộp thuế. Do khi thực hiện bảo lãnh, doanh nghiệp đã tốn chi phí bảo lãnh, nếu tính chậm nộp thuế nữa thì doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.
2. Thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng dầu cọ olein tinh luyện. Trước đây (từ 7/5/2013 đến trước ngày 7/9/2013), mặt hàng dầu cọ tinh luyện có chỉ số IV57 thuộc diện chịu thuế tự vệ tạm thời. Nhưng đến ngày 7/9/2013 thì tất cả mặt hàng dầu cọ olein tinh luyện đều thuộc diện chịu thuế tự vệ chính thức. Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu truy thu đối với mặt hàng dầu cọ olein không phân biệt chỉ số. Tuy nhiên, trước đây (từ 7/5/2013 đến ngày 06/9/2013) mặt hàng dầu cọ tinh luyện (trừ dầu cọ olein tinh luyện có chỉ số IV57) không thuộc diện chịu thuế tự vệ tạm thời theo Quyết định số 2564/QĐ-BTC ngày 22/4/2013, đến thời điểm 7/9/2013 thì thuộc diện chịu thuế, đồng thời phải truy thu thuế đối với những lô hàng đã nhập khẩu từ ngày 7/5/2013 đến ngày 06/9/2013. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể doanh nghiệp đã đưa vào sản xuất, cân đối giá thành, chi phí và bán sản phẩm. Nay doanh nghiệp lại bị truy thu do trước đây không quy định. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính cũng nên xem xét, cân nhắc trường hợp này có truy thu thuế tự vệ chính thức hay không?
Trả lời
1. Căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung Điều 42 Luật quản lý thuế) thì trừ hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày (có điều kiện) và hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày nộp thuế theo quy định tại Điều 106 Luật này. Thời hạn bảo lãnh tối đa là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
2. Quyết định số 2564/QĐ-BCT ngày 22/4/2013 của Bộ Công thương là quy định tạm thời về áp dụng tạm thời thuế tự vệ đối với một số mặt hàng dầu cọ olein; Tuy nhiên, ngày 28/8/2013, sau khi điều tra Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 5987/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với các mặt hàng dầu thực vật, mã HS 1507.90.90, 1511.90.91, 1511.90.92, 1511.90.91 và Bộ Tài chính đã có công văn số 12080/BTC-TCHQ hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng dầu thực vật thuộc mã HS nêu trên thì phải chịu thuế tự vệ. Trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc thì liên hệ với Bộ Công thương để được xử lý cụ thể.
Câu 18. (Công ty TNHH CNN Doosan Việt Nam, Khu Kinh tế Dung Quất, Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi)
Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam được xác nhận “đáp ứng tiêu chí là loại hình doanh nghiệp sản xuất các thiết bị cơ khí trọng điểm” theo công văn số 2423/BTC-CNNg ngày 22/3/2013 của Ban Chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm - Bộ Công thương. Công ty đã nhập khẩu thiết bị, vật tư cần thiết để sản xuất cẩu RTGC thuộc Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm từ ngày 09/1/2013 đến ngày 28/5/2013 (thực hiện nhập khẩu trước khi có Công văn 2423/BCT-CNNg và không đăng ký danh mục). Công ty đề nghị hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Chương 98 đối với mặt hàng cẩu RTGC nói trên.
Ngày 05/8/2013, Tổng cục Hải quan có hướng dẫn tại Công văn 4471/TCHQ-TXNK "đề nghị Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam liên hệ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi để đăng ký Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định".
Theo quy định tại điểm b.3 khoản 3.2 phần I mục II chương 98 Thông tư 193/2012/TT-BTC thì "người khai hải quan phải tự xác định nhu cầu sử dụng và xây dựng Danh mục vật tư, thiết bị nhập khẩu, kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi và đăng ký với cơ quan Hải quan trước khi đăng ký tờ khai nhập khẩu đầu tiên.
Tại điểm b3 khoản 2 Điều 103 Thông tư 194/2010/TT-BTC quy định về “hồ sơ, thủ tục miễn thuế” thì cơ quan Hải quan lập hồ sơ báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết đối với trường hợp đăng ký tờ khai trước ngày đăng ký Danh mục miễn thuế. Còn trường hợp hưởng ưu đãi thuế theo Chương 98 Thông tư 193/2012/TT-BTC thì không có hướng dẫn đăng ký Danh mục sau khi đăng ký tờ khai, cấp nào có thẩm quyền giải quyết và thủ tục như thế nào.
Do vậy, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi không có cơ sở giải quyết vì chưa có quy định đăng ký Danh mục sau khi đã nhập khẩu hàng hóa đối với trường hợp hưởng ưu đãi thuế theo Chương 98 Thông tư 193/2012/TT-BTC.
Trả lời
Căn cứ quy định tại điểm b.3, Khoản 3.2, Phần I Mục II Chương 98 ban hành kèm theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính thì trong hồ sơ nhập khẩu hàng hóa để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và để đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm người khai hải quan phải tự xác định nhu cầu sử dụng và xây dựng Danh mục vật tư, thiết bị nhập khẩu, kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi và đăng ký với cơ quan Hải quan trước thời điểm đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu đầu tiên. Trường hợp của Công ty Doosan do không đáp ứng được quy định trên nên không đủ điều kiện miễn thuế cho số hàng hóa đã nhập khẩu trước khi đăng ký Danh mục vật tư, thiết bị nhập khẩu.
Câu 19. (Công ty CP nhựa cao cấp hàng không, Sân bay Gia Lâm, phường Bồ Đề, TP. Hà Nội - Cục Hải quan Tp. Hải Phòng)
Theo khoản 3a Điều 42 Luật sửa đổi Luật quản lý thuế 2012, đối với hàng nhập sản xuất xuất khẩu, một trong những điều kiện để được hưởng thời hạn nộp thuế là 275 ngày là doanh nghiệp phải “Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê”.
Tuy nhiên, do hiện chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc “Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê”, nên doanh nghiệp không biết phải xin xác nhận tại cơ quan nào (doanh nghiệp đã đề nghị cơ quan thuế địa phương nhưng bị từ chối xác nhận vì lý do không thuộc thẩm quyền)
Trả lời
Tại Mẫu số 18 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính đã quy định các nội dung cam kết của doanh nghiệp trong đó có cam kết về việc trong vòng 730 ngày tính đến ngày cung cấp thông tin, có hay không bị các cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung cam kết. Trường hợp có thay đổi các thông tin, doanh nghiệp sẽ khai và cam kết lại.
Câu 20. (Công ty TNHH 4P, Xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - Cục Hải quan Tp. Hải Phòng)
Việc miễn thuế nhập khẩu 5 năm đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất của Công ty TNHH 4P. Đề nghị tổ chức họp giữa các đơn vị Bộ ngành để giải quyết dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp.
Trả lời
Đối với vấn đề này, Bộ Tài chính đã có công văn số 16216/BTC-TCHQ ngày 22/11/2013 về việc xử lý thuế nhập khẩu, nguyên liệu, vật tư, linh kiện của Công ty TNHH 4P. Đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Câu 21. (Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị)
Theo nội dung công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền, tại tỉnh Quảng Trị hiện nay có Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đang hoạt động với một số loại hình xuất nhập khẩu đặc thù. Việc xuất khẩu hàng hóa từ nội địa vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo của các doanh nghiệp nội địa được khấu trừ thuế GTGT đầu vào mặc dù không nằm trong trường hợp "xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, đất liền".
Vậy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ nội địa vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có bị điều chỉnh bởi công văn 12485/BTC-TCT nói trên không?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 8 Quy chế Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Quảng Trị ban hành kèm theo Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ngày 12/1/2005 thì: Quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khu kinh tế - Thương mại Lao Bảo và thị trường trong nước là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 thuộc đối tượng phải áp dụng biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền.
Câu 22. (Các DN làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị)
Ngày 21/3/2012, Tổng cục Hải quan có công văn số 1374/TCHQ-TXNK hướng dẫn đối với hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu đã tái xuất trong thời hạn 30 ngày nhưng ngoài thời hạn 30 ngày mới nộp hồ sơ thanh khoản thì người nộp thuế không phải nộp thuế xuất khẩu và không bị tính phạt chậm thuế.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung, hàng hóa xuất khẩu theo loại hình xuất kinh doanh phải nộp thuế ngay trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Nếu được bảo lãnh (thời hạn tối đa 30 ngày) vẫn phải nộp tiền chậm nộp.
Vậy, đối với hàng hóa xuất khẩu (loại hình XNK) có nguồn gốc nhập khẩu (thuộc diện được xem xét không thu thuế xuất khẩu) được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì có tính tiền chậm nộp hay không? Nếu có, thời gian tính chậm nộp từ ngày thông quan, giải phóng hàng đến ngày doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ thanh khoản hay tính đến ngày ra quyết định không thu thuế?
Trả lời
Tại điểm d Khoản 1 Điều 56 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính đã quy định: "Cơ quan hải quan ra quyết định không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu trả lại hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan quy định tại khoản 1 Điều này, nếu tại thời điểm làm thủ tục xuất khẩu trả lại xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo hướng dẫn tại Điều 117 Thông tư này và cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định hàng hóa xuất khẩu là hàng đã nhập khẩu trước đây".
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng về hồ sơ không thu thuế theo quy định tại thời điểm làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa thì phải nộp thuế hoặc nếu được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì trong thời gian bảo lãnh phải nộp tiền chậm nộp thuế kể từ ngày bảo lãnh đến ngày thực xuất. Trường hợp DN nộp thuế sẽ được xem xét hoàn trả tiền thuế đã nộp sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Câu 23. (Tổng Công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh - Cục Hải quan Hà Tĩnh)
Hàng hóa của Công ty được làm thủ tục thường xuyên (qua cửa khẩu đường bộ), thông quan hàng ngày. Hàng hóa phải nộp thuế trước khi thông quan. Cho nên công ty phải chuyển tiền nhiều lần, việc chuyển tiền phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc của lãnh đạo Công ty.
Doanh nghiệp đề nghị được nộp tiền thuế trước rồi được trích cho các tờ khai phát sinh.
Trả lời
Tổng cục Hải quan ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, cơ quan Hải quan đã có phương án giải quyết khi triển khai hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).
Câu 24. (Công ty TNHH Minh Tuấn. Địa chỉ: Thôn 8, Lý Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình - Cục Hải quan Hà Tĩnh)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu trả lại hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba thì cơ quan hải quan ra quyết định không thu thuế tại thời điểm làm thủ tục xuất khẩu nếu người khai hải quan nộp đầy đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo hướng dẫn tại Điều 117. Tuy nhiên, đối với hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ không đáp ứng điều kiện này để ra quyết định không thu thuế tại thời điểm làm thủ tục (do không có giấy tờ chứng minh hàng thực xuất trong hồ sơ đề nghị không thu thuế).
Trả lời
Trường hợp tại thời điểm làm thủ tục xuất khẩu doanh nghiệp chưa đáp ứng được đầy đủ hồ sơ theo quy định thì phải nộp thuế và được hoàn trả sau theo quy định
Câu 25. (Cục Hải quan Đồng Nai)
Doanh nghiệp nhập khẩu bao bì thuộc các tờ khai nhập khẩu loại hình SXXK vào thời điểm Thông tư 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2012. Tại thời điểm nhập khẩu Công ty đã kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với các tờ khai nhập khẩu, nay nộp hồ sơ xin hoàn thuế BVMT. Tuy nhiên, qua kiểm tra các tờ khai nhập khẩu vào thời điểm Thông tư 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2012, Công ty chỉ khai tên hàng nhập khẩu: bao nylon mà không kê khai là bao bì đóng gói sẵn và không có công văn cam kết theo hướng dẫn theo Điều 1 Thông tư 159/2012/TT-BTC.
Mặt khác, căn cứ vào Điều 1 Thông tư 159/2012/TT-BTC: "Trường hợp bao bì nhập khẩu đã được thông quan theo quy định của pháp luật thì người nhập khẩu bao bì không được kê khai lại để được áp dụng đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường". Như vậy, trường hợp Công ty đã nhập khẩu bao nylon mà không kê khai là bao bì đóng gói sẵn và không có công văn cam kết để đóng gói sản phẩm xuất khẩu do Công ty sản xuất ra đã kê khai nộp thuế BVMT và đã được thông quan theo quy định của pháp luật thì không được khai lại, nên không xác định Công ty thuộc đối tượng không chịu thuế BVMT, do đó không đủ cơ sở để xem xét hoàn thiện thuế BVMT nộp thừa và không truy nộp thuế BVMT nêu trên.
Tổng cục đã có công văn số 5471/TCHQ-TXNK trả lời là hoàn thuế nộp thừa theo Điều 42, Thông tư 194/2010/TT-BTC (nhưng không nêu rõ có được thuộc đối tượng không chịu thuế BVMT). Tuy nhiên, do còn có vướng mắc các quy định về hoàn thuế BVMT và đối tượng không thu thuế BVMT tại Thông tư 152/2011/TT-BTC và Thông tư 159/2012/TT-BTC nên đề nghị Tổng cục Hải quan có ý kiến chỉ đạo đối với trường hợp này.
Trả lời
Vướng mắc nêu trên của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, ngày 24/10/2013, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6252/TCHQ-TXNK trả lời đơn vị và Công ty TNHH Muto Việt Nam. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 24, Điều 131 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính (nay là Điều 26, Điều 130 Thông tư 128/2013/TT-BTC), Điều 1 Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 của Bộ Tài chính: Trường hợp bao bì nhập khẩu của Công ty đã được thông quan theo quy định thì số bao bì đã thông quan này không được kê khai lại để được áp dụng đối tượng không chịu thuế BVMT.
Đề nghị đơn vị nghiên cứu thực hiện.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.