BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG
BINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3319/BLĐTBXH-BVCSTE |
Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2009 |
Kính gửi: |
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tết Trung thu hàng năm đã được tổ chức rộng khắp trên cả nước, đã góp phần tạo nên sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân với những hoạt động thiết thực quan tâm chăm lo đến trẻ em. Tết Trung thu năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn làm gia tăng số lượng trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Để tiếp nối những hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em vói chủ đề “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo”, việc tổ chức Tết Trung thu là rất cần thiết và có ý nghĩa, giúp cho mọi trẻ em có cơ hội đón Tết Trung thu vui vẻ và đầm ấm.
Để triển khai Tết Trung thu năm 2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn với những nội dung sau:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đặc biệt quan tâm đến những trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Góp phần tạo nên một phong trào tốt đẹp trong toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2. Tổ chức để tất cả trẻ em trên cả nước được tham gia đón Tết Trung thu, an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, tiết kiệm và bổ ích. Tập hợp, thu hút và định hướng trẻ em tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích.
3. Huy động các nguồn lực trong xã hội, tập trung các hoạt động để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trẻ em bị tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt tập trung hỗ trợ cho trẻ em các huyện đảo khó khăn trên toàn quốc.
1. Tổ chức các hoạt động truyền thông
- Tăng cường công tác truyền thông với các nội dung và hình thức phong phú như qua báo, đài, Internet, các pa nô, áp phích, tài liệu truyền thông… với các nội dung thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời tạo cơ hội cho chính bản thân trẻ được tiếp cận với những thông tin phù hợp với trình độ, lứa tuổi, sở thích, nhu cầu nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em.
- Các nội dung tập trung truyền thông trong dịp Tết Trung thu:
+ Đăng tải thư chúc Tết Trung thu của Chủ tịch nước;
+ Giáo dục cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng biết tự bảo vệ mình, phòng, tránh được các nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, ngược đãi, vv….
+ Truyền thông các thông tin về đón Tết Trung thu của trẻ em trên toàn quốc.
+ Biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt đã giúp đỡ, ủng hộ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em vùng khó khăn được học tập, được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, phát triển năng khiếu…
2. Tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em
Phối hợp với các ban ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… để tổ chức tốt Tết Trung thu cho trẻ em, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em ở các huyện đảo trên cả nước; cùng vui đón Tết Trung thu với trẻ em tại các vùng, miền khó khăn phù hợp với điều kiện địa phương, cơ sở.
3. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em
Tổ chức, hướng dẫn các hoạt động tại các địa phương nhằm thu hút trẻ em vào các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích, thu hút được sự tham gia tích cực và phát huy được những tiềm năng sáng tạo của các em; thông qua việc tổ chức các hoạt động trong dịp Tết Trung thu cho trẻ em nói chung và trẻ em nghèo với các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao, thăm quan, cắm trại, tìm hiểu di tích lịch sử, chiếu phim, các cuộc thi, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, các trò chơi dân gian, truyền thống của các vùng miền, dân tộc … phù hợp với từng điều kiện của địa phương.
4. Tổ chức các hoạt động vận động xã hội
- Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực xây dựng công trình phúc lợi cho trẻ em, nhất là các đối tượng trẻ em vùng khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (xây dựng điểm vui chơi giải trí; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học…) nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em đều được vui Tết Trung thu;
- Vận động gây quỹ để tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật; vận động các tổ chức trong và ngoài nước, các cá nhân đỡ đầu, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo…..
5. Chỉ đạo, giám sát việc tổ chức Tết Trung thu năm 2009
- Chỉ đạo cho các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động Tết Trung thu năm 2009.
- Phân công cán bộ phối hợp và giám sát hoạt động tại các quận, huyện, thị xã.
- Biểu dương, khen thưởng các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong dịp Tết Trung thu năm 2009.
Để tổ chức tốt Tết Trung thu năm 2009 cho trẻ em trong phạm vi toàn quốc, yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp cơ sở và bố trí kinh phí để tổ chức Tết Trung thu năm 2009, tập trung chú ý đối tượng trẻ em tại các huyện nghèo và trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trên toàn quốc; dành nguồn ngân sách và huy động xã hội hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em;
- Xây dựng nội dung, kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động Tết Trung thu; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chỉ đạo tổ chức Tết Trung thu vui vẻ, lành mạnh, an toàn, bổ ích và tiết kiệm; kế hoạch phối hợp và phân công nhiệm vụ cụ thể, hướng dẫn tổ chức Tết Trung thu cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương.
- Chọn địa điểm phù hợp và có ý nghĩa để tổ chức điểm Tết Trung thu; ưu tiên tổ chức tại các địa bàn cơ sở (xã, huyện), vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới và hải đảo.
- Tổ chức Tết Trung thu gắn với những nội dung về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học thân thiện” cho trẻ em v.v…
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường chuyển tải thông tin, sản xuất các sản phẩm truyền thông (phóng sự, tin, bài, pa nô, áp phích…) đăng tải thư chúc Tết Trung thu của Chủ tịch nước, Đêm hội trung thu tại huyện đảo Phú Quốc và các hoạt động đón Tết Trung thu của trẻ em trên cả nước.
- Tổng kết sau khi kết thúc Tết Trung thu năm 2009 tại địa phương.
Trên cơ sở hướng dẫn trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và báo cáo kết quả tổ chức Tết Trung thu gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em), thời gian:
1. Kế hoạch tổ chức hoạt động Tết Trung thu (trước ngày 15/9/2009).
2. Báo cáo kết quả hoạt động Tết Trung thu (trước ngày 16/10/2009) theo mẫu gửi kèm.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ghi chú: thông tin chi tiết xin liên hệ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số 35 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 04.3747.84.23; Fax: 04.3747.87.19
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.