BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 188/BYT-YDCT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2021 |
Kính gửi: Văn phòng Chính Phủ
Bộ Y tế nhận được công văn số 11046/VPCP-NN ngày 31/12/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc cho ý kiến đối với việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật nằm trong Danh mục của Thông tư 48/2018/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hoá theo danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư số 48/2018/TT-BYT). Đối với nội dung này, Bộ Y tế báo cáo cụ thể như sau:
- Dược liệu là nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, có thể sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau như làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hương liệu, sản xuất thuốc, hóa mỹ phẩm…Trong thực tế thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm khai báo hàng hóa nhập khẩu làm thực phẩm như Thảo quyết minh, Nhân trần, Phá cố chỉ, Một dược, Trạch tả, Ngải cứu, Bạch linh, Bán chi liên….và nhiều loại dược liệu khác dưới dạng hoa quả khô hoặc nông sản. Rất nhiều loại dược liệu thường dùng làm thuốc như Thảo quyết minh, Bán chi liên, Hà thủ ô đỏ, Cẩu tích,... được nhập khẩu, xuất khẩu không cần giấy phép của Bộ Y tế và khai báo chủ yếu dưới dạng nông sản, thực phẩm. Các mặt hàng này đều nằm trong quy định về việc áp mã HS theo quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT để xuất khẩu, nhập khẩu.
Hiện nay, còn nhiều chồng chéo về quản lý dược liệu dưới dạng dược liệu thô hoặc đã bào chế dưới dạng cao chiết giữa các cơ quan quản lý thuộc Bộ Y tế cũng như liên quan đến Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông nghiệp, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố, trong đó Bộ Y tế: quản lý dược liệu dùng làm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; bán thành phẩm dược liệu (bao gồm cao, cốm, bột, dịch chiết, gôm, nhựa, thạch,... từ dược liệu), các loại dùng làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Bộ Công Thương quản lý việc buôn bán, xuất nhập khẩu nguyên liệu (cũng đồng thời là dược liệu) dùng cho các lĩnh vực khác như thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp chiết xuất…; Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông nghiệp quản lý việc nuôi trồng nói chung trong đó có cây, con làm thuốc nói riêng; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quản lý việc quy hoạch vùng trồng, khai thác dược liệu trên địa bàn quản lý.
Trước tình hình xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán dược liệu đang diễn ra rất phức tạp theo thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng về việc nhập khẩu dược liệu lậu dưới hình thức hàng nông sản, nguyên liệu làm thực phẩm, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các lực lượng chức năng để tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của dược liệu. Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) đã nhận được công văn 2756/TCHQ-GSQL ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Tổng cục Hải quan xin ý kiến về việc nhập khẩu các mặt hàng dược liệu.
Để quản lý chất lượng dược liệu nhập khẩu, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) đã có công văn số 319/YDCT-QLD ngày 13 tháng 5 năm 2020 gửi Tổng Cục Hải quan về hướng dẫn nhập khẩu dược liệu, trên cơ sở Luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP thì các dược liệu khi nhập khẩu phải theo đúng các quy định về quản lý dược liệu.
Tiếp đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 10217/BTC-TCHQ ngày 25 tháng 8 năm 2020 gửi xin ý kiến của Bộ Y tế về chính sách nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật. Trong công văn, Bộ Tài Chính đề xuất: “để quản lý chặt chẽ đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật, không để doanh nghiệp lợi dụng chính sách để gian lận, đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật được định danh cụ thể tại Danh mục dược liệu ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT , khi nhập khẩu hàng hóa phải chịu chính sách quản lý theo quy định của Nghị định 54/2017/NĐ-CP nêu trên mà không phụ thuộc vào mục đích khai báo của doanh nghiệp”.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật, Bộ Y tế (Cục Quản lý YDCT) tiếp tục có công văn 741/YDCT-QLD ngày 07 tháng 10 năm 2020 về việc tập trung về phương thức quản lý gồm khai báo hải quan, mục đích sử dụng, công tác hậu kiểm, sử dụng hệ thống khai báo thông tin và nhiều biện pháp khác để kiểm soát các sản phẩm này và đề xuất đối với mặt hàng chủ yếu được sử dụng làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì áp dụng theo quy định về dược; đối với mặt hàng chủ yếu làm thực phẩm thông thường thì áp dụng theo quy định đối với thực phẩm và nông nghiệp; đối với những mặt hàng giáp ranh có thể sử dụng ở cả lĩnh vực dược, thực phẩm và nông nghiệp thì cần quy định rõ cách thức doanh nghiệp khai báo khi thông quan trên cơ sở cam kết mục đích sử dụng của doanh nghiệp nhập khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục nhận được công văn số 7524/TCHQ-GSQL ngày 25 tháng 11 năm 2020 của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về việc thực hiện Thông tư số 48/2018/TT-BYT về việc nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật có nêu: trường hợp doanh nghiệp khai báo nhập hàng hóa dùng làm thực phẩm thì thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa dùng làm dược liệu thì thực hiện theo quy định tại Luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược; trường hợp doanh nghiệp khai báo nhập khẩu hàng hóa khác thì doanh nghiệp tạm thời chọn một trong hai phương án nêu trên.
Phúc đáp Công văn số 7524/TCHQ-GSQL ngày 25/11/2020 của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Y tế đã có công văn số 7415/BYT-YDCT ngày 31/12/2020 trả lời như sau: cơ bản thống nhất với ý kiến của Bộ Tài Chính về chính sách nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật: đối với mặt hàng trong hồ sơ nhập khẩu chủ yếu được sử dụng làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì áp dụng theo quy định về dược; đối với mặt hàng chủ yếu làm thực phẩm hoặc hàng hóa sử dụng trong các lĩnh vực khác thì áp dụng quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực của sản phẩm hàng hóa đó Bộ Y tế cũng gửi kèm Danh mục dược liệu quy định trong Thông tư số 48/2018/TT-BYT thường được sử dụng cho mục đích là thực phẩm thông thường để Cơ quan hải quan áp dụng theo quy định của pháp luật về thực phẩm trong trường hợp hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu khai báo là thực phẩm.
Mặt khác, hiện nay trong thực tế, nhiều mặt hàng nhập khẩu đều chiết xuất từ nhiều loại dược liệu trong nước sẵn có như Kim tiền thảo, Nghệ, Hòe, Thảo quyết minh, Kê huyết đằng, Thổ Phục linh, Cà gai leo,… Việc nhập khẩu các loại cao chiết từ các dược liệu có tiềm năng nuôi trồng trong nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế xã hội của người dân.
Vì vậy, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 48/2018/TT-BYT để thống nhất cách thức quản lý đối với hàng hóa là dược liệu và các hàng hóa khác có nguồn gốc thực vật trong xuất khẩu nhập khẩu để thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế gửi Quý Văn phòng Chính Phủ.
Xin trân trọng cảm ơn./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.