BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1846/BKHĐT-TCTT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2013 |
Kính gửi: ……………………………………………..
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2012/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện các Chương trình MTQG báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1410/VPCP-KGVX ngày 20/02/2013 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện các Chương trình MTQG.
Nhằm đảm bảo việc sơ kết đúng tiến độ và theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại văn bản nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương tổ chức sơ kết đánh giá 3 năm (2011-2013) tình hình thực hiện các Chương trình MTQG và đề nghị một số nội dung như sau:
1. Về mục đích, yêu cầu sơ kết, đánh giá:
Sơ kết tình hình thực hiện các chương trình MTQG nhằm đánh giá thực trạng việc huy động, sử dụng và bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG; hiệu quả và tác động của chương trình MTQG trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá thực trạng công tác quản lý, điều hành các chương trình MTQG của các cơ quan quản lý chương trình; đánh giá việc chấp hành và tổ chức thực hiện các chương trình MTQG tại các bộ ngành và địa phương; những tồn tại vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình MTQG trong 3 năm qua.
Trên cơ sở đó rút ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm quản lý, điều hành các Chương trìnhMTQG trong thời gian tới có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nguồn vốn đầu tư công.
2. Về nội dung yêu cầu sơ kết, đánh giá:
- Đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình MTQG các năm 2011, 2012 và ước thực hiện năm 2013 (phân tích một số chỉ tiêu đạt và không đạt); những khó khăn tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Đánh giá công tác quản, lý điều hành các Chương trình MTQG.
- Đề xuất kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các Chương trình MTQG.
(Đề cương chi tiết và các biểu mẫu báo cáo kèm theo công văn)
3. Tổ chức thực hiện:
- Từ ngày 20/3 đến 30/4: Các Bộ quản lý chương trình MTQG, cơ quan thực hiện Chương trình MTQG ở trung ương và địa phương tiến hành sơ kết và có báo cáo sơ kết 3 năm tình hình thực hiện các Chương trình MTQG theo đề cương và biểu mẫu đính kèm.
Trước ngày 15/4/2013: Các cơ quan thực hiện Chương trình MTQG ở trung ương và địa phương gửi báo cáo sơ kết 3 năm tình hình thực hiện các Chương trình MTQG về cơ quan quản lý Chương trình MTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Tài chính, tiền tệ) và Bộ Tài chính đồng thời gửi file theo địa chỉ email taichinh_tiente@mpi.gov.vn để tổng hợp;
Trước ngày 30/4/2013: Cơ quan quản lý Chương trình MTQG gửi báo cáo sơ kết 3 năm tình hình thực hiện các Chương trình MTQG về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Tài chính, tiền tệ), Bộ Tài chính đồng thời gửi file theo địa chỉ email taichinh_tiente@mpi.gov.vn để tổng hợp;
- Từ 1/5 đến 30/5: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo của các cơ quan quản lý chương trình MTQG, cơ quan thực hiện chương trình MTQG và xây dựng dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện các Chương trình MTQG;
- Từ 1/6 đến 15/6: Tổ chức 01 hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm (2011-2013) tình hình thực hiện các Chương trình MTQG do Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ trưởng các Bộ, ngành và địa phương có liên quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc để việc sơ kết đảm bảo đúng yêu cầu.
Thông tin chi tiết xin liên hệ Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; điện thoại: 08043956/08044215./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Tỉnh, Thành phố……
ĐỀ CƯƠNG
BÁO CÁO SƠ KẾT 3 NĂM (2011-2013)
THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MTQG
(Kèm theo công văn số 1846/BKHĐT-TCTT ngày 25 tháng 03 năm 2013)
PHẦN I: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MTQG
1. Kết quả thực hiện các Chương trình MTQG năm 2011, 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và ước thực hiện năm 2013:
- Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2011, 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và ước thực hiện năm 2013;
- Các chỉ tiêu đạt, không đạt so với kế hoạch và nguyên nhân chưa thực hiện được các mục tiêu đã đề ra;
2. Tình hình huy động các nguồn lực thực hiện chương trình:
- Tổng kinh phí thực hiện chương trình trong giai đoạn 2011-2013 và từng năm, chi tiết các nguồn (NSTW, NSĐP, vốn tín dụng, vốn nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác);
- Số lượng các công trình, dự án được hỗ trợ vốn đầu tư thuộc nguồn vốn của chương trình trên địa bàn và tổng mức vốn đầu tư hỗ trợ từ chương trình, vốn đối ứng của địa phương; số lượng các công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, số lượng các công trình, dự án còn dở dang.
3. Tình hình giải ngân vốn thực hiện các Chương trình MTQG năm 2011, 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và ước thực hiện năm 2013.
4. Hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ chương trình và tính bền vững của chương trình.
PHẦN II: ĐÁNH GIÁ CƠ CHẾ QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MTQG
1. Công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện ở địa phương:
1.1. Thành lập và kiện toàn các Ban chỉ đạo chương trình trên địa bàn
- Tỉnh có thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG của địa phương không, ngoài ra có thành lập các Ban chỉ đạo của từng chương trình? (Quy chế, hoạt động của Ban chỉ đạo?)
1.2. Việc phê duyệt kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn:
Sau khi có Quyết định phê duyệt các Chương trình MTQG của Thủ tướng Chính phủ, về phía địa phương có tổ chức phê duyệt kế hoạch thực hiện (bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn lực) của từng chương trình trên địa bàn không?
1.3. Quy định về chế độ kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá các Chương trình MTQG
- Các văn bản quy định về chế độ kiểm tra, giám sát (nếu có).
- Việc tuân thủ các chế độ báo cáo theo quy định.
- Việc triển khai kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh?
2. Phân cấp quản lý, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư thực hiện chương trình
- Việc phân cấp quản lý các Chương trình MTQG tại địa phương.
- Chức năng của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở chuyên ngành? Việc phân cấp quản lý có sự chồng chéo, bất hợp lý?
- Thẩm quyền phê duyệt và quy trình phê duyệt dự án đầu tư thuộc chương trình của các cấp.
3. Quy trình lập kế hoạch, phân bổ vốn và giao kế hoạch
- Quy trình lập kế hoạch và xây dựng dự toán chương trình
- Việc thực hiện dự toán NSTW: tính chủ động của địa phương trong triển khai dự toán NSTW để thực hiện các mục tiêu đề ra của từng chương trình theo cơ chế giao vốn hiện nay? Khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự toán ở địa phương (địa phương đã chủ động trong việc thực hiện nguồn vốn được giao để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình hay cần được giao cụ thể hơn (hoặc tổng quát hơn) để gắn kết với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình, dự án và việc bố trí NSĐP và các nguồn vốn huy động khác tại địa phương?)
- Có nhận được thông báo vốn của các Bộ quản lý chương trình MTQG? Khi phân bổ tỉnh có chịu áp lực từ thông báo phân bổ vốn của các Bộ quản lý chương trình?
- Nêu quy trình phân bổ vốn và giao kế hoạch từ tỉnh đến huyện, xã?
- Việc lập kế hoạch và phân bổ vốn có dựa trên ưu tiên của người dân và chính quyền cơ sở (xã, phường)? Có gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua cho cả giai đoạn và cho từng năm không?
- Có công khai đến các cấp và người dân? Bằng hình thức nào?
4. Cơ chế điều phối và phối hợp thực hiện các CTMTQG
- Phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương
- Phối hợp giữa các Ban, ngành tại địa phương (giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở chuyên ngành, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, xã)
- Công tác chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp
5. Cơ chế quản lý và lồng ghép giữa các chương trình, dự án trên cùng địa bàn (đặc biệt liên quan đến hạ tầng nông thôn)
- Việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án được thực hiện như thế nào, phân cấp và thực tiễn quản lý khi lồng ghép nhiều nguồn hoặc kết hợp nhiều dự án trên địa bàn?
- Nguyên tắc lồng ghép? Hiệu quả của việc lồng ghép? Việc lồng ghép có đảm bảo được các mục tiêu của chương trình không?
- Việc thực hiện lồng ghép giữa các Chương trình MTQG trên địa bàn với việc thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới được địa phương triển khai cụ thể như thế nào? Cơ chế giao nguồn lực, giao mục tiêu nhiệm vụ hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì với việc lồng ghép này?
6. Việc huy động các nguồn lực thực hiện chương trình trên địa bàn và sử dụng kinh phí
- Ngoài ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương có cân đối thêm kinh phí và huy động các nguồn khác không? (Như huy động của cộng đồng dân cư, đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác…). Phương pháp huy động các nguồn lực khác đã được địa phương áp dụng?
- Kinh phí có sử dụng hết không? Có sử dụng đúng mục đích? Có sự điều chuyển giữa các chương trình? Điều chuyển giữa vốn đầu tư và vốn sự nghiệp?
PHẦN III: NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO CHƯƠNG TRÌNH MTQG
1. Những kiến nghị, đề xuất về đổi mới cơ chế quản lý và các chính sách có liên quan đến việc giao chỉ tiêu kế hoạch và quản lý vốn nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của các Chương trình MTQG, đảm bảo tính bền vững của chương trình.
2. Những kiến nghị đối với cơ chế lồng ghép như hiện nay? Đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả của việc lồng ghép, phân bổ, sử dụng nguồn NSTW giao cho địa phương.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.